Hội Bê tông Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của ngành Xây dựng

Việt Nam đã làm chủ hầu hết công nghệ bê tông trên thế giới, tiếp cận và phát triển các cấu kiện bê tông phức tạp, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của Hội Bê tông Việt Nam.

Dẫn dắt công nghệ, góp ý xây dựng chính sách

Sáng 13/01, tại TP.HCM, Hội Bê tông Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bê tông và kết cấu bê tông cho phát triển hạ tầng bền vững”. TS Lê Quang Hùng – Chủ tịch Hội chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), TS Nguyễn Quang Hiệp – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cùng cùng hơn 200 khách mời là các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, hội nghề nghiệp trong ngành Xây dựng.

TS Lê Quang Hùng – Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Lê Quang Hùng khẳng định, bê tông là loại vật liệu chiếm tỷ trọng khá lớn trong tất cả các loại VLXD, Hội Bê tông Việt Nam là tổ chức nghề nghiệp hoạt động các vấn đề liên quan đến các khoa học công nghệ xây dựng và tất cả các lĩnh vực của công nghệ bê tông (vật liệu cấu thành, công tác thiết kế kết cấu, sản xuất thi công, cấu kiện, bảo trì, sửa chữa, gia cố, gia cường…), trong tất cả các lĩnh vực xây dựng dân dụng, xây dựng giao thông, xây dựng các công trình thủy công cũng như các công trình năng lượng như trụ điện gió… Bê tông len lỏi vào tất cả các lĩnh vực của ngành Xây dựng nên những chủ đề để trao đổi, phát triển về vật liệu, công nghệ cũng như giải pháp thiết kế thi công bê tông luôn là chủ đề hấp dẫn, thu hút rất nhiều người hoạt động trong nghề quan tâm.

Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ VLXD chia sẻ, theo ước tính, Việt Nam mỗi năm sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ khoảng 200 triệu m3 bê tông, tương đương giá trị kinh tế khoảng 10 tỷ USD, trong khi xi măng khoảng 100 triệu tấn, có cả xuất khẩu clinker khoảng 35 triệu tấn, tiêu thụ trong nước 65 triệu tấn, ước tính giá trị kinh tế khoảng 4 tỷ USD. Như vậy, giá trị bê tông gấp 2,5 lần xi măng, một trong những con số kinh tế cho thấy vai trò quan trọng của vật liệu bê tông đối với ngành Xây dựng, sự phát triển kinh tế – xã hội.

Theo PGS.TS Lê Trung Thành, Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các công nghệ bê tông của thế giới, đã tiếp cận và phát triển các chủng loại cấu kiện bê tông khó, phức tạp… Có thể nói, Hội Bê tông Việt Nam có nhiều năm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, sự phát triển của ngành Xây dựng. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành bê tông phần lớn do Hội Bê tông Việt Nam đảm nhiệm.

Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi, có những khó khăn, thách thức đòi hỏi các thành viên trong Hội phải đoàn kết, phối hợp với nhau chặt chẽ hơn.

PGS.TS Lê Trung Thành phát biểu tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Lê Trung Thành truyền đạt tới các thành viên trong Hội Bê tông Việt Nam một số ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Trong đó, đề nghị thành viên của Hội, đặc biệt là khối doanh nghiệp thường xuyên đóng góp ý kiến phản biện, góp ý Bộ Xây dựng xây dựng cơ chế, chính sách quan đến VLXD, đặc biệt là liên quan đến vật liệu bê tông.

Góp ý, phản biện làm sao để cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp phát triển. Tất cả các cơ chế, chính sách được Bộ Xây dựng dự thảo đề xuất Chính phủ ban hành hay ban hành theo thẩm quyền đều nhắm đến mục đích để doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, thành viên Hội Bê tông thực hiện tốt Chiến lược phát triển VLXD đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có một chương riêng nói về chiến lược phát triển bê tông Việt Nam, bảo đảm hướng tới giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển các chủng loại bê tông thế hệ mới, bê tông xanh…

Các thành viên của Hội có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và các đơn vị, tổ chức để phát triển nhanh, ứng dụng những sản phẩm bê tông tính năng cao, những sản phẩm bê tông là đầu ra của sản phẩm khoa học, trong đó có sản phẩm cụ thể là cầu cạn bê tông cốt thép. Bộ Xây dựng đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc đưa hệ thống kết cấu cầu cạn bê tông cốt thép vào Chương trình phát triển ứng dụng hệ thống đường cao tốc của Việt Nam, là điển hình nhất của ứng dụng công nghệ bê tông tiên tiến, hiện đại vào trực tiếp hệ thống đường cao tốc của Việt Nam trong thời gian tới.

Sản phẩm, công nghệ bê tông đáp ứng phát triển bền vững

Hội thảo diễn ra cả ngày, trong buổi sáng 13/01, các chuyên gia, nhà khoa học đã thuyết trình và thảo luận nhiều nội dung liên quan đến thị trường, công nghệ, vật liệu cho bê tông tại Việt Nam hiện nay như: Công nghệ bê tông in 3D hấp thụ và lưu trữ khí CO2 hướng đến phát triển; Công nghệ xi măng thân thiện môi trường cho mục tiêu phát triển bền vững; Các giải pháp bền vững cho bê tông trộn sẵn; Giới thiệu một số giải pháp xi măng mới; Cập nhật các giải pháp mới cho phụ gia bê tông công nghiệp xây dựng xanh; Công tác bê tông cho thi công nhà cao tầng; Công tác bê tông cho hầm xuyên núi xây dựng theo công nghệ NATM…

PGS.TS Trần Văn Miền thuyết trình tại Hội thảo.

Trong bài trình bày về Công nghệ bê tông in 3D hấp thụ và lưu trữ khí CO2 hướng đến phát triển, PGS.TS Trần Văn Miền khẳng định, bằng việc áp dụng công nghệ in bê tông 3D sẽ có thể giảm đáng kể chất thải xây dựng khi không cần ván khuôn để tạo hình cấu kiện xây dựng, lượng bê tông trộn được kiểm soát cẩn thận trong hệ thống tự động và nguyên liệu chế tạo mực in bê tông có thể tận dụng các chất thải rắn như tro xỉ nhiệt điện, xà bần xây dựng, thạch cao… các cấu trúc bê tông in 3D có khả năng tiết kiệm đáng kể chi phí xây dựng, cải thiện năng suất và trên hết có thể hạn chế đáng kể tác động môi trường bằng cách sử dụng ít vật liệu hơn và tạo ra ít chất thải hơn.

Bài trình bày của PGS.TS Trần Văn Miền cũng cho thấy một số kết quả nghiên cứu ban đầu về công nghệ in bê tông 3D hấp thụ và lưu trữ khí CO2 để hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp xây dựng xanh và bền vững cho xã hội. Khi tăng hàm lượng khí CO2 được bơm vào hỗn hợp bê tông trong quá trình nhào trộn từ 20 – 10 kg/m3 thì hỗn hợp bê tông in 3D có độ nhớt và ứng suất chảy tăng, thời gian mở để in 3D giảm xuống.

Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự khi sử dụng phụ gia tăng hấp thụ CO2 (CCA), cụ thể khi tăng hàm lượng CCA từ 0,5 – 1,5% theo khối lượng xi măng thì độ dẻo của hỗn hợp bê tông in 3D giảm, thời gian mở để in 3D cũng giảm. Ngoài ra, một số nghiên cứu trên thế giới cũng kiến nghị cần xem xét độ co khô của bê tông hấp thụ khí CO2, vì loại bê tông này có xu hướng co khô dài hạn lớn hơn so với bê tông truyền thống.

Hỗn hợp bê tông in 3D hấp thụ CO2 có thể in thành công khi có ứng suất chảy tĩnh từ 390 – 800 PA, độ nhớt 9 – 22 PA.s, độ xòe 18 – 20 cm, độ sụt đo bằng côn mini từ 6 – 10 cm và thời gian mở để in 3D nằm trong khoảng 30 – 45 phút.

Các cấp phối bê tông hấp thụ CO2 với khoảng lưu biến phù hợp nêu trên có thể sử dụng để thi công in 3D công trình xây dựng nhà ở thấp tầng, hoặc bàn ghế đặt tại những nơi công cộng để góp phần giảm phát thải khí CO2.

Ông Nguyễn Hoàng Hà – Giám đốc kỹ thuật của Xi măng Fico Tây Ninh thuyết trình tại Hội thảo.

Chia sẻ về những nỗ lực của Xi măng Fico YTL giúp cho xây dựng bền vững, ông Nguyễn Hoàng Hà – Giám đốc kỹ thuật của Xi măng Fico Tây Ninh cho biết, Fico YTL đã nỗ lực đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, theo số liệu ngành công nghiệp xi măng năm 2022, toàn ngành đạt tỷ lệ 70% hệ số clinker, Quyết định số 1266/QD-TTg ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đặt kế hoạch giai đoạn 2021-2050 đạt tỷ lệ 60% clinker. Riêng Fico YTL, đến năm tài chính 2023 đã đạt tỷ lệ 54,8%, trong đó ngay từ năm 2019, thời điểm YTL bước chân vào Việt Nam, đã bắt đầu có nhiều nỗ lực đưa phát thải xuống thấp nhất có thể.

Đối với tỷ lệ nguyên nhiên liệu thay thế, nhà máy xi măng là nơi có thể xử lý các loại rác công nghiệp, rác sinh hoạt, rác chất thải nguy hại. Năm tài chính 2023, Fico YTL đã đạt được tỷ lệ thay thế 14% và YTL nỗ lực 2 năm nữa tăng tỷ lệ thay thế lên 25% và đến năm 2030 đạt tỷ lệ thay thế 30%…

Trong bài thuyết trình chia sẻ kinh nghiệm thi công bê tông công trình hầm xuyên núi theo phương pháp NATM, ông Nguyễn Lê Bách – Giám đốc Ban Kế hoạch kỹ thuật Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đề nghị Hội Bê tông Việt Nam với vai trò dẫn dắt công nghệ bê tông cùng góp tay góp sức với nhà thầu, với Tập đoàn Đèo Cả để có một tiêu chuẩn mới cho bê tông sử dụng trong hầm…

Trong chiều cùng ngày, Hội Bê tông tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *