Đây là chủ đề Hội thảo khoa học diễn ra tại Hà Nội ngày 27/9 do Bộ Xây dựng tổ chức. Tại Hội thảo, nhiều quan điểm và kiến nghị được đưa ra nhằm giải quyết bài toán khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.
Cần khối lượng lớn vật liệu đắp nền cho các dự án giao thông
Đánh giá khái quát tình hình phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua cũng như thực trạng nguồn vật liệu xây dựng và những giải pháp tháo gỡ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội ở các quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Thời gian quan, Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia, đã đưa vào sử dụng 8/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của cả nước lên 1.822 km; khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, các tuyến đường đi qua vùng đồng bằng thường gặp nền đất yếu, đòi hỏi phải có giải pháp xử lý nền, thay đất, tôn cao độ nền, do đó khối lượng vật liệu đắp cần sử dụng là rất lớn.
Với giải pháp sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay thì trữ lượng các mỏ cát đang được cấp phép khai thác sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu, đồng thời nguồn tài nguyên cát thiên nhiên sẽ sớm cạn kiệt, gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, tác động xấu đến môi trường, an sinh xã hội. Do đó, thời gian qua, nhiều tổ chức, nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông trong công trình hạ tầng giao thông như cát biển, tro xỉ nhiệt điện hoặc nghiên cứu sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp. Tuy nhiên, trường hợp khai thác cát biển quy mô lớn cần phải có đánh giá tác động môi trường cẩn trọng; phương án sử dụng cầu cạn cần những nghiên cứu cụ thể để khẳng định tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và môi trường.
Sớm có giải pháp tháo gỡ mang tính bền vững
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) Đào Ngọc Thanh cho biết, hiện nay vấn đề vật liệu xây dựng trong các công trình hạ tầng giao thông đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Thực tế, việc chờ cấp phép khai thác vật liệu từ các địa phương mất thời gian dài, ngay cả những khu vực mỏ vật liệu quy hoạch được giao cho nhà thầu để thực hiện thủ tục cấp phép khai thác cũng chưa có hướng dẫn cụ thể từng bước thực hiện. Do đó, địa phương nơi có dự án hạ tầng giao thông đi qua cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ, thời gian xử lý thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu đã quy hoạch, đồng thời hỗ trợ nhà thầu trong quá trình lập, phê duyệt phương án bồi thường và thỏa thuận đơn giá mặt bằng với người dân. Các bộ, ngành cần chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh các định mức phù hợp, đảm bảo việc tính đúng, tính đủ…
Tại Hội thảo, các chuyên gia và nhà thầu xây dựng đều cho rằng cần phải có cơ chế đặc thù cho vật liệu trong công trình hạ tầng giao thông, thay vì phải áp dụng theo Luật Khoáng sản nhằm giảm bớt thủ tục xin cấp phép khai thác. Ngoài ra, cần bổ sung thời gian xin cấp phép khai thác vật liệu vào thời gian thi công các gói thầu cao tốc; cho phép nhà thầu tiến hành song song công tác khai thác và trình duyệt thủ tục cho đến khi được cấp phép khai thác trên cơ sở đảm bảo các điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, đối với những khu vực khan hiếm vật liệu đắp thông thường, việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp hay giải pháp thiết kế cầu cạn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi, ổn định và bền vững lâu dài.
Để dự án khi triển khai phải đảm bảo nguồn vật liệu, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả Khương Văn Cương cho rằng chủ đầu tư dự án cần xác rõ điều kiện cần để khởi công dự án là phải đầy đủ thủ tục khai thác mỏ vật liệu để bàn giao cho nhà thầu; phối hợp với cơ quan liên quan để triển khai đồng bộ thủ tục cấp phép, khai thác trong quá trình lập, phê duyệt dự án, đồng thời địa phương nơi có dự án đi qua cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ cấp phép và thời gian xử lý thủ tục phê duyệt cho nhà thầu khai thác mỏ vật liệu đã quy hoạch phục vụ thi công cao tốc.
Dưới góc nhìn của nhà bảo tồn thiên nhiên, ông Hà Huy Anh, Quản lý dự án của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đề xuất cần thiết lập ngân hàng cát cho toàn vùng nhằm giúp quản lý cát sông một cách bền vững hơn, đặc biệt trong giai đoạn dần dần chuyển đổi từ sự phụ thuộc hoàn toàn vào cát sông sang các loại vật liệu thay thế bền vững khác ở Việt Nam. Ông Hà Huy Anh cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành nên cân nhắc xem xét về sự khan hiếm của cát sông cũng như hậu quả của việc cạn kiệt nguồn cát dự trữ hiện có để hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến nhằm giảm tối đa việc khai thác cát sông. Cụ thể như hỗ trợ các nghiên cứu, phát triển, sử dụng nguồn thay thế bền vững, đặc biệt là đối với cơ sở hạ tầng đầu tư công, thúc đẩy công trình xây dựng theo hướng tiết kiệm tài nguyên, thiết kế bền vững.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến nêu quan điểm về xây dựng cầu cạn cao tốc tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung như một cách để giải bài toán khan hiếm nguồn vật đắp nền hiện nay.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh ghi nhận ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đồng thời sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, sớm đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông, góp phần tháo gỡ khó khăn vật liệu đắp nền cho các dự án hạ tầng giao thông tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.