Đèo Cả kiến nghị giải quyết thiếu hụt vật liệu xây dựng hạ tầng giao thông

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả đã tham dự và phát biểu tại hội thảo “Giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông” do Bộ Xây dựng tổ chức.

Hội thảo được chủ trì bởi ông Nguyễn Văn Sinh Thứ trưởng Bộ Xây dựng, có sự tham gia của các ban ngành, hiệp hội liên quan và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông. Mục tiêu của hội thảo là tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nguyên vật liệu, sử dụng hiệu quả trong thi công các công trình hạ tầng giao thông.

Toàn cảnh hội thảo

Tại đây, ông Khương Văn Cương – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả đã nêu một số vấn đề tồn tại về vật liệu xây dựng trong quá trình thi công các dự án đường bộ cao tốc và đề xuất một số kiến nghị. Xin gửi tới bạn đọc toàn văn bài phát biểu:

Kính thưa quý vị!

Tập đoàn Đèo Cả hiện đang là nhà đầu tư, tổng thầu thi công, quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông của Việt Nam. Chúng tôi đã triển khai thành công các công trình như hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân 2, Bao biển Quảng Ninh, Thung Thi, Trường Vinh; cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận, Cam Lộ – La Sơn, cầu Tình Yêu Quảng Ninh… Đó là những công trình trọng điểm quốc gia của ngành hạ tầng giao thông trải rộng khắp ba miền đất nước, với quy mô lớn, kỹ thuật cao, giải quyết các điểm nghẽn về giao thông và tạo đà phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hiện tại, Tập đoàn Đèo Cả đang là nhà thầu thi công các gói thầu cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Chi Thạnh – Vân Phong, Cam Lâm – Vĩnh Hảo và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, đường ven biển Bình Định, sân bay Long Thành,… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tham gia với vai trò Nhà đầu tư đề xuất một số dự án cao tốc theo hình thức PPP.

Trong quá trình triển khai nhiều dự án với quy mô lớn, tính chất phức tạp, trải dài trên cả nước, Tập đoàn Đèo Cả đã gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc. Một trong số đó là vấn đề liên quan đến về vật liệu xây dựng làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ của các dự án. Cụ thể như sau:

1. Bước khảo sát, lập và phê duyệt dự án: Chủ đầu tư chưa tổ chức triển khai các công tác khảo sát, lập hồ sơ cấp phép, phê duyệt cấp phép mỏ vật liệu đồng bộ với phê duyệt dự án, bàn giao cho nhà thầu trước khi khởi công (là một trong các điều kiện để khởi công) dẫn tới việc khởi công xong không triển khai thi công ngay được do nhà thầu phải chờ làm thủ tục cấp phép khai thác vật liệu.

2. Các mỏ quy hoạch cho dự án giao cho nhà thầu thực hiện:

Các khu vực mỏ vật liệu quy hoạch được địa phương giao cho nhà thầu để thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể từng bước thực hiện để nhà thầu lập và trình hồ sơ, cụ thể một số tồn tại như sau:

– Trình tự thực hiện thủ tục các địa phương chưa đồng nhất

– Chưa làm rõ một số nội dung trong hồ sơ cấp phép: Có cần bước phê duyệt trữ lượng hay chỉ cần đăng ký, mức độ hoàn thiện hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường hay kế hoạch bảo vệ môi trường.

– Giao cho nhà thầu tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu với người dân nênxảy ra tình trạng ép giá dẫn đến đơn giá khai thác đất tại mỏ cao hơn nhiều so với đơn giá tính trong dự toán. Hoặc trường hợp người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng thì địa phương cũng không có cơ sở tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công.

– Chưa có hướng dẫn cách xác định giá thành vật liệu tại mỏ.

Các thủ tục từ lúc lập đến khi cấp phép khai thác kéo dài khoảng 8 tháng

3. Các mỏ thương mại đang khai thác:

– Nhà thầu đã khảo sát các mỏ đất thương mại để phục vụ thi công giai đoạn đầu của dự án nhưng đa số các mỏ trữ lượng ít, công suất khai thác thấp không đáp ứng so với nhu cầu và tiến độ của dự án. Ngoài ra các mỏ thương mại còn phục vụ các dự án khác trong tỉnh nên khối lượng vật liệu cấp cho dự án cao tốc rất hạn chế.

– Đường tiếp cận vào một số mỏ thương mại rất khó khăn, đường nhỏ hẹp, kéo dài đi qua khu dân cư ảnh hưởng đến đời sống dân sinh khi vận chuyển khối lượng lớn.

– Khi bị kiểm soát giá, các chủ mỏ không được bán giá cao hơn thông báo giá của tỉnh dẫn tới việc các chủ mỏ không muốn cung cấp cho dự án, khó tiếp cận chủ mỏ, việc cung cấp hồ sơ pháp lý đầu vào, lấy mẫu thí nghiệm vật liệu để chấp thuận nguồn rất khó khăn. Đã xảy ra tình trạng chủ mỏ đẩy giá vào chi phí vận chuyển.

– Trong giấy phép khai thác được duyệt, mỏ được phép khai thác với 1 công suất giới hạn, tuy nhiên một số chủ mỏ sẽ khai thác quá công suất và xử lý hóa đơn trái phép để hợp thức hóa. Trong quy định điều khoản nghiệm thu thanh toán với chủ đầu tư, không kiểm tra hóa đơn chi tiết, tuy nhiên khi các cơ quan thanh tra, điều tra vào thì lại yêu cầu kiểm tra, nếu có sai phạm xử lý hóa đơn của các chủ mỏ thì các đơn vị nhà thầu/nhà thầu phụ/dự án không có chủ đích cũng bị ảnh hưởng.

4. Đối với các dự án khu vực Miền Tây, Đồng bằng Sông Cửu Long:

– Khu vực ĐBSCL là khu vực với nền địa chất yếu, xâm nhập mặn, các nguồn vật liệu xây dựng như đất, cát, đá bị hạn chế, đường tiếp cận, vận chuyển vật liệu vào tới dự án cũng nhiều vướng mắc dẫn tới việc triển khai các dự án quanh khu vực vô cùng khó khăn. Hiện nay một số dự án đang phải sử dụng nguồn vật liệu cát từ Campuchia, cự ly vận chuyển xa, đội chi phí giá thành lên cao.

Do đó, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp như sau:

1. Đối với chủ đầu tư các dự án

Cần phải xác rõ điều kiện cần để khởi công dự án là phải đầy đủ thủ tục khai thác mỏ vật liệu để bàn giao cho nhà thầu. Do đó cần phải phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai đồng bộ các thủ tục cấp phép, khai thác trong quá trình lập, phê duyệt dự án.

2. Đối với địa phương nơi có dự án đi qua

– Có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ cấp phép và thời gian xử lý thủ tục phê duyệt cho Nhà thầu khai thác mỏ vật liệu đã quy hoạch phục vụ thi công cao tốc.

– Tổ chức mời các chủ mỏ thương mại làm việc với nhà thầu xác định cụ thể trữ lượng, công suất còn lại và cam kết cung cấp cho dự án cao tốc để làm cơ sở cho nhà thầu lập tiến độ thi công phù hợp thực tế.

– Hỗ trợ cho nhà thầu trong quá trình lập, phê duyệt phương án bồi thường đối với các mỏ vật liệu và thỏa thuận đơn giá mặt bằng với người dân.

– Thường xuyên cập nhật điều chỉnh các thông báo giá vật liệu sát với thực tế.

3. Đối với các Bộ ngành, cơ quan quản lý

– Chỉ đạo xây dựng và điều chỉnh các định mức phù hợp, đảm bảo việc tính đúng, tính đủ.

– Thúc đẩy việc nghiên cứu, đánh giá các tác động, xác định các chỉ tiêu kỹ thuật để sớm đưa vào ứng dụng thực tiễn về việc sử dụng các vật liệu mới như cát biển, tro xỉ nhiệt điện,… cho các dự án hạ tầng giao thông. Điển hình các dự án khu vực miền Tây bài toán về vật liệu nan giải.

– Ban hành các tiêu chuẩn đắp đất lẫn đá, đắp đá để tận dụng tối đa vật liệu đào nền.

– Chỉ đạo việc lập phương án so sánh chi phí đầu tư về việc thi công nền đường đắp với việc thi công cầu cạn bê tông để có lựa chọn phù hợp.

– Các mỏ các sông hiện nay đều quy định cấm khai thác vào mùa mưa lũ, do đó cần có hướng dẫn về việc tập kết vật liệu theo mùa để đảm thi công xuyên suốt.

4. Đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

– Đẩy nhanh việc nghiên cứu dùng cát biển để đắp nền đường.

– Nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu cơ lý đất đắp bao nền đường theo hướng thấp hơn và điều chỉnh giải pháp thiết kế đắp bao để tận dụng đất tại chỗ. Thực tế tại dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, nhà đầu tư đã tận dụng đất tại chỗ để đắp bao nền đường, đến thời điểm hiện nay nền đường vẫn đang đảm bảo chất lượng tốt.

Trân trọng cảm ơn!

Tổng Giám đốc Khương Văn Cương phát biểu tại hội thảo

Trên cơ sở ý kiến phát biểu, thảo luận của các bên tại hội thảo, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và sớm báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp sử dụng vật liệu xây dựng hiệu quả, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn thiếu vật liệu san nền cho các dự án hạ tầng giao thông.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *