Ngày 9.5.1985, cầu Thăng Long được thông xe, tính đến nay vừa tròn 35 năm. Sau gần 25 năm khai thác, sử dụng, đến năm 2009, lần đầu tiên tiến hành sửa chữa mặt cầu. Gần đây nhất, Tổng cục Đường bộ thông tin sẽ tiếp tục sửa chữa mặt cầu Thăng Long đang xuống cấp trầm trọng với tổng mức đầu tư lên trên 270 tỉ đồng.
Trước thông tin trên, ông Hoàng Minh Chúc – nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long đã gửi tới Lao Động những góp ý về việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Theo ông Chúc, “là người tham gia chỉ đạo thi công cầu Thăng Long trước đây, chúng tôi rất mong mặt cầu phải được sửa chữa với phương án tốt nhất để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi qua cầu và tuổi thọ của cầu”.
“Qua thông tin trên báo, được biết Bộ trưởng Bộ GTVT đã có ý kiến chỉ đạo phải sửa chữa mặt cầu Thăng Long xong cùng một lúc với thông xe cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, tôi xin được thông tin vắn tắt một số nét chính khi thi công mặt đường ôtô trên bản trực hướng cầu Thăng Long theo công nghệ của Liên Xô mà chúng tôi đã thực hiện năm 1984 – 1985, để có thể giúp một vài ý kiến nhỏ cho việc thực hiện công nghệ mới tham khảo.
Kết cấu lớp áo đường trên bản trực hướng lúc đó bao gồm: Lớp chống gỉ dày 60mm; Lớp dính bám và bảo vệ dày 2,5 – 4 mm; Lớp phủ bê tông atphan dày 70 – 80 mm.
Công tác chống thấm trên mặt cầu với diện tích 38.400 m2 chỉ được tiến hành lúc trời khô ráo, có sự tham gia của các chuyên gia Liên Xô và Viện Kỹ thuât Bộ GTVT Việt Nam giám sát và kiểm tra chất lượng.
Thi công lớp chống gỉ bao gồm: Phun cát tẩy gỉ, đánh tẩy vết dầu mỡ, các vật lồi lõm sau đó phun sơn. Công việc làm sạch bề mặt bản trực hướng có số công bỏ ra gấp 9 – 10 lần so với công việc phun sơn.
Lớp bảo vệ gồm hỗn hợp epoxy- xlamo được quy định chặt chẽ. Để tăng độ dính bám giữa lớp bảo vệ và lớp bêtông atphan dùng đá dăm gốc Granit cường độ 1.000 – 1.200kg/cm2 cỡ hạt to 10 -15 mm rải trên lớp đó.
Công tác chống thấm được thực hiện 10 tháng từ 6.1984 đến tháng 3.1985. Lớp bêtông atphan do 2 đơn vị là Liên hiệp các Xí nghiệp xây dựng giao thông 1 và 2 trực thuộc Bộ GTVT làm trong gần 3 tháng tiếp đó.
Thi công lớp bảo vệ mặt cầu là công đoạn cuối cùng lại với công nghệ mới phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao và rất tỉ mỉ không cho xảy ra sai sót. Nhận thức được như vậy nên tất cả chúng tôi, từ lãnh đạo Liên hiệp đến các công ty và cán bộ kỹ thuật hàng ngày đều tập trung trên mặt cầu để chỉ đạo, giám sát và điều phối các lực lượng tham gia.
Qua đọc báo, tôi được biết Tổng cục Đường bộ sẽ trình Bộ GTVT phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long theo công nghệ Mỹ. Theo đó sẽ hàn các bulông treo tren mặt cầu thép và đổ khoảng 6 – 7 cm lớp bêtông sợi mặt cầu. Với công nghệ này chưa rõ quá trình bóc và làm sạch mặt cầu thép như thế nào, hàn bao nhiêu bulông và cả lớp bêtông trên có làm tăng nặng thêm không? Ảnh hưởng thế nào đến hệ dàn chủ và kết cấu thép mặt cầu. Xin lưu ý rằng ở cầu Thăng Long, bản trực hướng được thiết kế cùng chịu lực với dàn thép của dầm cầu.
Theo tôi giải pháp tối ưu nhất là sửa chữa mặt cầu giữ nguyên kết cấu bản trực hướng vì đã khai thác từ năm 1985 đến nay đều thấy làm việc bình thường. Hiện tại, công nghệ thảm mặt cầu trên bản trực hướng chắc ở mức hoàn thiện hơn năm 1985; nên tôi kiến nghị chọn công nghệ phù hợp đồng thời phải ra ngay quy trình duy tu, bảo trì và quản lý giám sát lưu lượng, tải trọng xe qua cầu để không phải sửa đi sửa lại như vừa qua và ít nhất phải dùng được trên 10 năm và lâu hơn nữa”- ông Hoàng Minh Chức viết.
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 26.11.1974, khánh thành ngày 9.5.1985. Ngoài việc góp phần phát triển kinh tế xã hội, đào tạo một đội ngũ thợ cầu có tay nghề, trình độ sau đó có thể tham gia xây dựng những cây cầu mang thương hiệu “Made in Vietnam” trong và ngoài nước, cầu Thăng Long cũng được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Xô.
Để xây dựng cây cầu này, Bộ Giao thông – Vận tải đã phải huy động trên 7.000 công nhân lao động với sự tư vấn hỗ trợ của 70 chuyên gia Liên Xô (tỉ lệ 1/100).
Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ, để sửa chữa mặt cầu sẽ phải cào bóc sạch lớp bêtông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép. Tiếp theo, sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Đồng thời, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận. Cùng đó, trong lần sửa chữa lần này cũng sẽ sửa các khe co giãn đã hư hỏng, khi sửa xong sẽ tăng cường lực có tuổi thọ công trình 10 năm.
Đây là công nghệ đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu 2 năm nay trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 270 tỉ đồng. Hiện Tổng cục đang chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu chọn nhà thầu trong tháng 6, bắt đầu khởi công thi công trong tháng 7, hoàn thành sửa chữa cầu vào cuối năm nay.
#nguồn: báo lao độnh