(Xây dựng) – Ngày 18/6, tại Viện Vật liệu xây dựng (VIBM), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi làm việc về chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. |
Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Hội Bê tông Việt Nam; đại diện Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng và lãnh đạo VIBM.
Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng là hết sức cần thiết, bởi sau khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, các quy hoạch sản phẩm, hàng hóa hết hiệu lực. Vì vậy, chiến lượng phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 là công cụ quan trọng để định hướng phát triển vật liệu xây dựng nước ta theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế – xã hội, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng và bảo vệ môi trường. Chiến lược được ban hành sẽ là căn cứ để xây dựng các kế hoạch thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cao, cải tạo các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và kiểm soát chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng đã xây dựng chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 tập trung vào 12 chủng loại vật liệu xây dựng bao gồm: Xi măng, gạch ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vôi, gạch đất sét nung, vật liệu xây dựng không nung, vật liệu lợp, cát xây dựng, đá xây dựng và bê tông.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định chiến lược phát triển vật liệu xây dựng là hết sức cần thiết. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho biết một số quan điểm chính của chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 như: Đáp ứng mục tiêu cơ bản yêu cầu trong nước về vật liệu xây dựng, tiến tới nâng dần tỷ trọng xuất khẩu; Tiếp cận nhanh nhất, ứng dụng nhanh nhất những tiến bộ, thành tựu khoa học công nghệ; triệt để tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu; Bảo vệ tốt nhất môi trường sinh thái; Phát huy, khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển vật liệu xây dựng; Phân bổ mạng lưới các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, yêu cầu phát triển kinh tế… của địa phương.
Trong hội nghị TS. Trần Bá Việt – Phó chủ tịch kiểm tổng thư ký hội bê tông Việt Nam đã phát biểu nhấn mạnh vai trò của các sản phẩm bê tông và công nghệ bê tông, trong đó có bê tông chất lượng cao và bê tông tính năng cao cho xây dựng hạ tầng và dân dụng công nghiệp trong giai đoạn đầu phát triển xây dựng của đất nước đóng góp hoàn thiện chiến lược phát triển lĩnh vực bê tông cho giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn từ 2030 – 2050
Tại buổi làm việc các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành cũng đã có những đóng góp để hoàn thiện dự thảo.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Do quá trình phát triển của khoa học công nghệ nên các công trình xây dựng ngày càng được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại hơn, vì vậy ngành Vật liệu xây dựng cũng cần phải phát triển để đáp ứng nhu cầu đó.
Trong những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Thể chế liên quan đến phát triển vật liệu xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn; Xây dựng được chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển vật liệu thực hiện ở một số sản phẩm chủ yếu quan trọng; Vật liệu xây dựng chú trọng nâng cao năng suất, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên;
Nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng quan trọng được chú trọng đầu tư. Trong đó có nhiều vật liệu mới đóng góp rất lớn cho sự phát triển cho ngành Vật liệu xây dựng, tạo ra nhiều việc làm mới, nhiều công trình mới, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn Việt Nam, đóng góp rất quan trọng cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế;
Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng cũng những có bước thay đổi tích cực theo hướng hiện đại, dần dần thay thế công nghệ lạc hậu, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm…
Tuy nhiên ngành sản xuất vật liệu xây dựng còn đang đứng trước rất nhiều những tồn tại, khó khăn, thách thức, vì vậy trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu: Phát triển vật liệu xây dựng phải đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu; Phát triển ngành Vật liệu xây dựng gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, tận thu phế thải làm nguyên liệu, giảm tiêu thụ năng lượng, phát thải, bảo vệ môi trường, dần dần thay thế các vật liệu truyền thống…
Để thực hiện được mục tiêu trên phải xây dựng chiến lược phát triển vật liệu xây dựng. Chiến lược chung nhưng phải đề ra nhưng quan điểm cụ thể, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương tham gia. Trên cơ sở chiến lược này xây dựng kế hoạch hóa trong nhiệm vụ từng năm và 5 năm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu để hoàn thiện chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Trong chương trình buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã tới thăm phòng truyền thống, phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng của Viện VBIM. Đồng thời nghe Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện VBIM báo cáo về những thành tựu đã đạt được của Viện trong hơn 50 năm qua.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những đóng góp của VIBM trong việc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước, định hướng quy hoạch, chiến lược phát triển, đổi mới hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vật liệu xây dựng với nhiều công trình thiết kế tiêu biểu và thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ nổi bật… trong đó phải kể đến nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Trong chương trình buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã tới thăm phòng truyền thống, phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng của Viện VBIM. |