Từ những thiệt hại do bão Yagi, có nên sửa quy chuẩn?

Năm 2024, bão Yagi (cơn bão số 3) có sức gió mạnh nhất trong 50 năm qua, gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương, không ít ý kiến đặt ra vấn đề phải sửa quy chuẩn về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng.

Tại Hội thảo của Hội Bê tông Việt Nam tổ chức ngày 13/12, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận về tác động của cơn bão Yagi tới kết cấu nhà và công trình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa.

Cần điều chỉnh QCVN 02:2022/BXD

TS Lê Ngọc Cầu – Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT) đã so sánh vận tốc gió giật mạnh nhất và áp lực gió trong bão Yagi so với QCVN 02:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng.

Kết quả so sánh cho 16 tỉnh/thành chịu ảnh hưởng của cơn bão cho thấy, vùng tâm bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp như TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình tốc độ gió giật 3s của gió Yagi (hay là tần suất 100% – tần suất lặp 1 năm) của một số trạm thuộc 3 tỉnh trên ngang với gió giật 3s tính toán với tần suất 2% – tần suất lặp 50 năm.

Đặc biệt tại Cô Tô gió giật 3s của bão Yagi là 56 m/s trong khi đó theo QCVN 02:2022/BXD là 56 m/s cho gió giật 3s với tần suất lặp 50 năm.

Đáng chú ý hơn tại Bãi Cháy gió giật 3s của bão Yagi là 62 m/s trong khi đó theo QCVN 02:2022/BXD là 50 m/s cho gió giật 3s với tần suất lặp 50 năm.

TS Lê Ngọc Cầu – Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT).

TS Lê Ngọc Cầu cho rằng, bão Yagi là một cơn bão lịch sử về gió mạnh đổ bộ và ảnh hưởng vào miền Bắc nước ta. Trong bối cảnh của BĐKH, các hiện tượng cực đoan như bão mạnh, gió lớn, mưa do bão ngày càng khốc liệt hơn về cường độ và gia tăng về tần suất.

Theo TS Lê Ngọc Cầu, cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh QCVN 02:2022/BXD nhằm quy định các thông số cơ bản về điều kiện tự nhiên phục vụ thiết kế, thi công và quản lý xây dựng công trình.

Giá trị đo được tiệm cận giá trị trên của quy chuẩn

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam Lê Quang Hùng, đối chiếu với QCVN 02:2009/BXD, tính tần suất lặp 50 năm, thì giá trị đo được của cơn bão ở các vị trí khác nhau ở tiệm cận giá trị trên của QCVN 02:2022/BXD.

Hiện trạng phá hủy của cơn bão đối với kết cấu chịu lực bê tông cốt thép là không lớn; không gây ra sập đổ kết cấu chịu lực của nhà cửa, cầu cống; nhưng, có tác động đến kết cấu thép, dàn mái ở khẩu độ lớn.

Qua đánh giá của các chuyên gia, tác động của cơn bão có thể chưa hẳn đã vượt các giá trị của tiêu chuẩn mà còn có thể có những lỗi từ thiết kế kết cấu.

Đối với kết cấu bao che như tường kính, vách kính, mái kim loại, cửa sổ… thì bão số 3 tác động tương đối rõ nét như: tốc mái, vỡ kính, bung cửa… Hiện nay, chúng ta chưa có đầy đủ tiêu chuẩn về thiết kế kết cấu bao che này, rất cần nghiên cứu để có những tiêu chuẩn thiết kế phù hợp.

Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam Lê Quang Hùng.

Đáng chú ý, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam Lê Quang Hùng cho biết, cơn bão Yagi còn tác động đến các cột điện ly tâm làm gẫy cột điện ở cao độ 1,5 – 2 m từ mặt đất, gây thiệt hại lớn. Đặt ra vấn đề lớn, phải xem xét vấn đề thống nhất giữa tiêu chuẩn sản phẩm và thực tế tải trọng tác động lên cột điện ly tâm.

Ngoài ra, hệ thống cây xanh, vật thể kết cấu khác như cột ăng ten thu phát sóng, bồn bể trên mái nhà… cũng bị tác động nặng nề.

Đề xuất giải pháp phù hợp với từng loại công trình

Bàn về vấn đề này dưới góc độ của quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, không phải vì một cơn bão có một vài chỉ số vượt so với quy định của QCVN 02:2022/BXD mà phải điều chỉnh quy chuẩn về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng. Việc điều chỉnh quy chuẩn nói chung thường phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định, bởi nếu điều chỉnh theo hướng tăng, yêu cầu cao hơn thì các giải pháp sẽ phải áp dụng theo, từ đó sẽ làm tăng chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, có một nguyên tắc kép về tải trọng và tác động, theo đó kết cấu công trình phải chịu được mọi loại tải trọng và tác động trong quá trình khai thác, sử dụng công trình, có nghĩa kết cấu công trình phải được thiết kế để chịu được mọi tải trọng, để cả trường hợp bất lợi nhất, đó là nguyên lý. Do đó, phải xem lại nguyên tắc về đo đạc, thí nghiệm, số liệu, xử lý, thống kê…

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Minh Hà, qua theo dõi trực tiếp cơn bão Yagi ở TP Hải Phòng cho thấy, có khá nhiều cột thép đơn thân đỡ kết cấu biển quảng cáo lớn bị đổ. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Xây dựng trăn trở khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã bỏ Giấy phép xây dựng đối với biển quảng cáo, có nghĩa là không kiểm soát an toàn đối với loại hình kết cấu biển quảng cáo.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng  Phạm Minh Hà.

Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho rằng, các địa phương, trong đó có TP Hải Phòng phải lưu ý kiểm soát vấn đề an toàn đối với kết cấu này.

Đối với những công trình có xu hướng thiết kế kiến trúc mở vách kính rất nhiều để tạo không gian view đẹp, view rộng, Thứ trưởng Phạm Minh Hà đã yêu cầu Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) sớm hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu kết cấu hệ vách kính để phục vụ cho người làm thiết kế, người làm quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Phạm Minh Hà đề nghị các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước rà soát kỹ các vấn đề liên quan đến tác động của cơn bão Yagi đối với các công trình xây dựng, từ đó đề xuất giải pháp hiệu quả, phù hợp với từng loại công trình, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

QCVN 02:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng quy định các thông số cơ bản về điều kiện tự nhiên phục vụ thiết kế, thi công và quản lý xây dựng công trình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *