Cát dùng để san lấp không chỉ khan hiếm mà giá còn tăng vọt từ 190.000/m3 lên 285.000/m3 chưa thuế GTGT tại khu vực TP.HCM khiến nhiều dự án giao thông gặp khó, nguy cơ bị chậm tiến độ.
Lỗ nặng vì giá cát tăng vọt
Đầu tháng 3, PV Báo Giao thông theo chân một nhà thầu thi công tại TP Thủ Đức đi cano ra sông Đồng Nai đoạn giáp Nhơn Trạch trực tiếp khảo sát cát san lấp do sà lan từ miền Tây chở lên.
Vành đai 3 đoạn qua Hóc Môn đang đợi cát đắp nền. Nhà thầu phải tập trung nhân lực thi công hạng mục cầu.
“Tháng trước tôi đã đi xem cát 4 chuyến, cả công ty ai cũng nóng ruột vì chủ đầu tư thúc tiến độ. Thực tế, toàn là cát pha bùn không thể làm được. Chuyến này mà cát xấu nữa là xác định gói thầu này phải nhập cát từ Campuchia, chấp nhận lỗ vài chục tỷ đồng”, T – tư vấn giám sát bộc bạch.
Không nằm ngoài dự đoán, sà lan gần 2.000m3 cát san lấp đang thả neo trên con nước lớn chở đầy cát pha bùn đen. Tài công nói với khách: “Chỉ có loại này thôi. Chủ hàng báo tạp chất bao nhiêu phần trăm tui không biết. Xem nhanh để tui đi”.
Theo T, loại cát này chủ hàng báo giá 230.000 đồng/m3 sau khi “nổ” là tạp chất dưới 20%. Đây là chủ hàng thứ 8 mà nhà thầu đã liên hệ. Các đầu mối cung cấp cát thậm chí còn khó khăn hơn trước khi không gửi mẫu đến mà bắt nhà thầu gọi tài công sà lan hẹn nhau xem hàng trên sông.
Loại cát như vừa xem lên đến hơn 50% là bùn, chỉ có thể dùng bơm lên các khu đất bị xói mòn, ngập trũng. Sau khi bơm phải đợi nhiều tháng để bùn khô rồi đổ đất san lấp tiếp. “Loại này tuyệt đối không dùng đắp nền đường được”, T thở dài.
Từ chia sẻ của một nhà thầu thi công đang tham gia dự án Vành đai 3 TP.HCM, PV trực tiếp liên hệ 3 nhà cung cấp cát san lấp tại Đồng Nai, Tiền Giang và An Giang. Tất cả nhà cung cấp đều báo giá cát san lấp tạp chất dưới 15% có thể dùng đắp nền đường, giá về đến TP.HCM từ 285.000 đồng/m3 trở lên và là giá chưa thuế.
So với thời điểm tháng 10/2023, giá cát san lấp hiện tại cùng loại tiêu chuẩn tăng gần 50%. “Vì tham gia cùng lúc nhiều dự án nên sơ bộ nếu mỗi năm sử dụng 1 triệu khối cát, nhà thầu thi công chắc chắn lỗ 100 tỷ đồng so với thời điểm ký hợp đồng”, đại diện một nhà thầu giao thông tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) chia sẻ.
Ghi nhận tại công trường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua huyện Hóc Môn, sau hơn 7 tháng khởi công, tiến độ tổng thể 4 gói thầu xây lắp đã bị chậm lại do thiếu cát đắp. Dọc tuyến thuộc phạm vi các gói thầu đang thi công, nhiều đoạn đã được cào bóc lớp đất mặt sau đó ngưng chờ cát.
Gói thầu xây lắp số 8 gian nan nhất khi mới chỉ đạt khoảng 7% tổng sản lượng. Nhà thầu thi công phải chuyển hướng kéo các mũi thi công phần đường chuyển sang thi công các hạng mục cầu vượt để đeo bám tiến độ chung.
Sẵn sàng hai phương án
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Điều hành dự án 4, Ban Hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát hiện cần 1,8 triệu m3 cát đắp đường hai bên. Thế nhưng, hiện nhà thầu báo lên vẫn chưa có phương án đảm bảo đủ khối lượng.
Dọc công trường, nhà thầu bổ sung thiết bị, tăng cường thêm công nhân để sớm hoàn thành công đoạn đóng cừ bê tông dự ứng lực dài hàng chục km bờ kênh. Dù vậy, thời điểm phải chuyển tiếp qua hạng mục thi công đường hai bên đã cận kề nhưng khối lượng cát phải gom từ đâu vẫn còn là bài toán chưa giải được.
Theo ông Lê Ngọc Hùng, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông TP.HCM, nhiều mỏ đang dừng cung cấp hoặc chỉ cung cấp cho các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang, các dự án của địa phương. Cả khu vực phía Nam đang triển khai đồng loạt nhiều dự án giao thông lớn nên nguồn cát đắp nền rơi vào tình trạng khan hiếm.
Giai đoạn trước, các nhà thầu thi công phụ thuộc vào các mỏ cát lớn tại Đồng Tháp và An Giang. Khi các mỏ này gặp sự cố pháp lý thì không kịp chuyển hướng thay đổi nhà cung cấp.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 4/3, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông TP.HCM cho biết, thành phố đã thành lập tổ chuyên trách để giải quyết vấn đề thiếu cát san lấp, phối hợp với Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp để được hỗ trợ. Hiện, đã có 3 địa phương cam kết chia sẻ nguồn cát.
“Hiện, Vành đai 3 TP.HCM cần hơn 9 triệu m3 cát. Riêng trong năm 2024 cần 7 triệu m3 cát, ngay trong quý II này. Mặc dù phương án A có tín hiệu tích cực như vậy, nhưng các địa phương cũng triển khai nhiều dự án giao thông, có những thời điểm không thể chia sẻ, TP.HCM cần chuẩn bị sẵn sàng phương án B là sử dụng cát biển. Nếu trước tháng 6 năm nay Bộ GTVT chính thức có công bố quy trình, quy chuẩn về cát biển thi công cao tốc thì TP.HCM sẽ khẩn trương áp dụng cho Vành đai 3”, ông Phúc nói.
Sớm đưa cát biển vào thay thế dần
Trong số các địa phương mà TP.HCM đã làm việc, Đồng Tháp là tỉnh gần như không thể hỗ trợ bởi trong năm nay, có 4 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng sẽ thi công gồm các dự cao tốc: Cao Lãnh – Lộ Tẻ, Cao Lãnh – An Hữu, Mỹ An – Cao Lãnh, dự án nâng cấp QL30 giai đoạn 3.
Tình trạng giá cát cao, khan hiếm khiến nhiều bãi vật liệu xây dựng chỉ tập trung kinh doanh cát xây thô, cát bê tông thay vì kinh doanh cát san lấp.
Ông Hồ Thanh Phương, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cho biết, trữ lượng trầm tích cát sông trên sông Tiền và sông Hậu ngày càng giảm dần, trong khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt, bao gồm quy hoạch khu vực khai thác cát.
Do vậy, tỉnh sẽ tranh thủ các cơ chế đặc thù đối với các mỏ cát để nâng công suất khai thác thêm. Hiện, cả tỉnh chỉ có 12 giấy phép khai thác nên chỉ đáp ứng khoảng 2,7 triệu m3. Đồng Tháp chỉ có thể ưu tiên hàng đầu cho dự án cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ, số lượng còn lại là cung ứng cho các công trình trọng điểm của địa phương.
Tương tự, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bến Tre cho biết cũng đang chờ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và sẽ đưa vào đấu thầu 6 mỏ cát. Nếu 6 mỏ này hoạt động sẽ có khả năng đáp ứng được nguồn cung trên địa bàn tỉnh, việc chia sẻ với các địa phương cũng sẽ khá căn cơ.
“Cần sớm đưa cát biển vào thay thế một phần cát sông tại các dự án hạ tầng giao thông ven biển hoặc khu vực nhiễm mặn”, vị này nói.
Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, đơn vị này đang trực tiếp thí điểm sử dụng cát biển thi công đoạn đường hoàn trả dài khoảng 300m của tỉnh lộ 978 tại dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau. Sau thời gian thử nghiệm thí điểm và tiến hành quan trắc kể từ cuối tháng 3/2023 đến nay, kết quả bước đầu cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.
“Chúng tôi kỳ vọng cát biển sẽ sớm được chấp thuận, cho phép sử dụng đắp nền đường cao tốc trong điều kiện nhiễm mặn tương tự khu vực thí điểm, đưa dự án về đích đúng tiến độ”, ông Tuân chia sẻ.
Nhằm thúc đẩy sử dụng cát biển thay thế dần cát sông, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, trung bình công suất cấp phép khai thác cát sông hằng năm chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu cát thực tế.
Căn cứ tài liệu điều tra Bộ TN&MT công bố, Bộ Xây dựng đang sắp xếp lại từng vùng cát biển, xây dựng phương án quy hoạch khai thác cát biển không chỉ trong 6 hay 12 hải lý mà còn là cát ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong tương lai.