ĐCSVN) – Phong trào xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng đã được Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng triển khai toàn diện, tạo sức lan tỏa, đem lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Chí Hiếu, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng cho biết: Hưởng ứng chủ đề “thanh niên tình nguyện” năm 2019 do Trung ương Đoàn phát động, các cơ sở Đoàn trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Các cơ sở Đoàn trực thuộc tiếp tục triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, phong trào “3 trách nhiệm”, và các đợt tình nguyện cao điểm như “Xuân tình nguyện”, “Xuân biên giới”, “Tháng Thanh niên”…
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, phát huy sức trẻ trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, với phương pháp, cách làm sáng tạo, khoa học, dấu ấn của tuổi trẻ Bộ được khẳng định qua các phong trào như: “Thắp sáng nông thôn mới”; “Nguồn nước thanh niên”; “Cầu dân sinh”… tạo được hiệu ứng xung kích mạnh mẽ của cán bộ, đoàn viên, nhận được sự ghi nhận của lãnh đạo bộ, cấp ủy, địa phương và nhân dân.
Đồng chí Bùi Chí Hiếu cho biết: Một trong những nét nổi bật đã được tuổi trẻ Bộ triển khai có hiệu quả trong thời gian qua đó là hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng vật liệu mới vào sản xuất. Tiêu biểu như tuổi trẻ Viện Khoa học Công nghệ xây dựng đã nghiên cứu thành công công nghệ bê tông tính năng cao Việt Nam UHPC.
Vật liệu sử dụng công nghệ bê tông tính năng cao đã được sử dụng để xây dựng cầu dân sinh tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2017, cầu Năng An- Xuân Hồi ở xã Xuân Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình được khánh thành. Đây là cây cầu đầu tiên ở miền Bắc được xây dựng từ bê tông tính năng siêu cao UHPC.
Đồng chí Trần Bá Việt – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ xây dựng chia sẻ: Cây cầu Năng An – Xuân Hồi được xây dựng và đi vào sử dụng mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Trước hết là góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, phát triển nông thôn mới trên địa bàn xã, giúp nhân dân, các cháu học sinh giữa 2 thôn đi lại, sinh hoạt được thuận lợi. Đây là thành công của các nhà khoa học trong nước khi áp dụng công bê tông tính năng siêu cao của thế giới cho chế tạo nhịp dầm vào xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn ở Việt Nam. Với các tính năng ưu việt thi công nhanh, ít phải bảo trì, vật liệu mỏng nhẹ tạo thẩm mỹ kiến trúc công trình. Cây cầu chỉ sử dụng vật liệu bằng 1/3 so với cầu bê tông thông thường nên giảm phát thải khí nhà kính, ít khai thác tài nguyên, là một trong những giải pháp xây dựng bền vững theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Đồng chí Trần Bá Việt chia sẻ thêm: Bắt đầu nghiên cứu, ấp ủ việc ứng dụng loại bê tông này chất lượng siêu cao UHPC từ cách đây 17 năm, ông cùng các học trò của mình là những đoàn viên, thanh niên còn rất trẻ của Viện đã từng bước nghiên cứu, phát triển tính năng và tính ứng dụng của loại vật liệu mới này. Đến nay, đã có nhiều đề tài khoa học và công trình sử dụng vật liệu UHPC để giảm thiểu chi phí và thời gian, công sức thi công. Đặc biệt, thời gian tới đây việc triển khai đề tài xây dựng nhà lắp ghép sử dụng bê tông UHPC sẽ được ứng dụng vào việc xây dựng nhà Giàn, nhà ở trên Đảo Trường Sa.
Theo Giám đốc Viện Chuyên ngành Kết cấu Công trình Xây dựng Lê Minh Long, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu ứng dụng thành công UHPC sử dụng cho các công trình trên đảo, không chỉ có đặc điểm là cường độ rất cao, có thể tới 150MPa (có thể tạm coi như tương đương mác gần 2000 so với mác 400-500 trước đây), độ đặc chắc rất cao, có khả năng chống ăn mòn cao hơn gấp 2-3 lần so với bê tông truyền thống.
Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ vật liệu, kết cấu trong xây dựng nhằm tăng khả năng chống ăn mòn cho các công trình trên đảo, là một trong những nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng tâm, mang ý nghĩa nhân văn của Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST). Việc triển khai đề tài còn mở ra những cơ hội ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mới cho các công trình xây dựng.
Không chỉ khẳng định sức trẻ trong công tác chuyên môn, thời gian qua, hình ảnh những đoàn viên thanh niên khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện đã thể hiện sức trẻ, nhiệt huyết, đam mê của mình trong các chương trình tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Nhiều công trình nước sạch cho xã nghèo, hỗ trợ tiền xây dựng nhà bán trú, nhà nhân ái, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí đã được triển khai ở nhiều vùng khó khăn trong cả nước.
Trong chuyến tình nguyện trao nhà nhân ái cho gia đình chị Ma Thị Ngần ở bản Đén 1, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn vào tháng 3 năm 2019, nhiều bạn trẻ đã xúc động khi những tình cảm của mình được trao đúng người, đúng địa chỉ.
Trong ngôi nhà mới, họ hàng, bà con làng xóm đến chia vui với gia đình chị Ngần. Với diện tích sử dụng 45m2, thay thế cho ngôi nhà gỗ 20m2 trước đó, từ nay mẹ con chị Ngần không phải lo dột, lo nhà có thể đổ mỗi khi mùa mưa bão đến. Không giấu nổi sự xúc động, mẹ chị Ngần, bà Ma Thị Đình chia sẻ: “Có nằm mơ con gái tôi và gia đình cũng không nghĩ sẽ có ngày được sống trong ngôi nhà kiên cố, khang trang như thế này”.
Bà Đình tâm sự: Từ nhỏ trí não của chị Ngần đã phát triển chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa, tay chị bị dị tật bẩm sinh nên không có khả năng lao động. Khi chị lập gia đình, do gia đình bên chồng cũng khó khăn nên bà đã đón mẹ con chị Ngần về dựng tạm ngôi nhà gỗ 20m2 để 3 thành viên trong gia đình nhỏ của con gái sinh sống. Mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ đều diễn ra trong ngôi nhà 20m2 này.
Với sự giúp sức của Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng thông qua việc hỗ trợ kinh phí 40 triệu, thanh niên xã đã hỗ trợ đào móng, đóng góp ngày công và lên kế hoạch xây nhà với diện tích sử dụng 45m2 thay thế cho ngôi nhà gỗ cũ của gia đình chị Ngần, tạo cơ hội để gia đình chị đỡ nỗi lo, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đồng chí Lê Phúc Lâu, Chủ tịch UBND xã Quảng Chu cho biết: Xã Quảng Chu hiện có gần 4 nghìn nhân khẩu, trong đó còn 30,35% tỷ lệ hộ nghèo. Để có được một ngôi nhà khang trang như thế này, bà con nhân dân rất cần sự giúp sức của các cơ quan, ban ngành, các mạnh thường quân. Bởi thực tế, nhiều hộ gia đình mặc dù đã có hỗ trợ gần một nửa tiền xây nhà nhưng cũng không có nguồn để có thể có được trọn vẹn một ngôi nhà như mong muốn. Vì vậy, thời gian tới bà con nhân dân trong xã mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của tuổi trẻ Bộ Xây dựng và các tổ chức xã hội, giúp người dân nghèo Quảng Chu sớm xóa được nhà dột nát theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng Đoàn Anh Tuấn cho biết: Qua khảo sát, được biết trong xã, ngoài gia đình chị Ngần còn rất nhiều hộ gia đình khó khăn, chưa có nhà kiên cố để ở, Đoàn Thanh niên Cục sẽ tiếp tục khảo sát để hỗ trợ xây nhà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp xã xóa nhà dột nát, sớm hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới về nhà ở.
Trong ngày về nhà mới, gia đình chị Ngần còn được nhận nhiều phần quà ý nghĩa từ Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng; nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi tại trường tiểu học xã Quảng Chu đã được Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng tặng xe đạp…