Sôi động trên công trường cầu Thăng Long

(DURINN) – Gần 2 tháng nay, hàng trăm kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát công trường sửa chữa mặt cầu Thăng Long, tranh thủ những lúc thời tiết bớt khắc nghiệt để tập trung thi công 3 ca liên tục. Một không khí lao động thật sự hào hứng, sôi động nhằm đẩy nhanh tiến độ để sớm khơi thông tuyến giao thông huyết mạch nơi cửa ngõ Thủ đô. Những tiếng cười giòn tan vang trên công trường dường như xua tan nỗi vất vả, khẳng định nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” của những người thợ…

Công nhân thực hiện công đoạn hàn đinh neo trong quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Nỗ lực bám sát công trường

Những ngày đầu tháng 10-2020, tiết trời Thủ đô đã chuyển gió, se se lạnh chứ không còn nắng nóng như những ngày trước đó. Nhờ vậy, không khí lao động trên công trường sửa chữa mặt cầu Thăng Long cũng trở nên sôi nổi và tăng tốc hơn. Từng tốp công nhân tập trung thực hiện các phần việc khác nhau. Tốp thì cào bóc lớp bê tông cũ trên mặt cầu, tốp khác hàn các đinh neo tại vị trí đã được cào bóc và vệ sinh sạch sẽ. Những tiếng cười giòn tan trên công trường dường như xua tan nỗi vất vả…

Anh Nguyễn Văn Tuấn (quê ở huyện Đan Phượng, Hà Nội), Tổ trưởng tổ công nhân thuộc nhà thầu Vĩnh Hưng cho biết, để bảo đảm tiến độ, các nhóm công nhân chia thành từng ca làm gối nhau để không bỏ trống thời gian. Đội ngũ công nhân thuê nhà ở ngay tại khu vực dân cư ở hai bên đầu cầu cho tiện đi lại, sinh hoạt và chỉ về quê khi có việc cần thiết.

Dù liên tục bám sát công trường và làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần, song thời tiết thất thường cũng ảnh hưởng phần nào đến tiến độ. “Những ngày trước nắng và nóng, anh chị em công nhân luôn phải căng mình làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt. Nắng có thể mặc thêm đồ bảo hộ, trùm khăn che kín mặt để làm việc nhưng trời mưa thì thực sự khó khăn. Đặc biệt vào những ngày mưa to, gió lớn từ cấp 7, cấp 8 trở lên, công trường phải tạm nghỉ để bảo đảm an toàn cho các công đoạn liên quan đến hàn xì, đấu nối điện…”, anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Điều khiển xe máy đưa tôi đi dọc chiều dài công trình sửa chữa cầu Thăng Long, kỹ sư Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Ban Điều hành liên danh nhà thầu Thành Hưng – Vĩnh Hưng – Phương Thành – Thuận An đã giới thiệu tỉ mỉ về những mẻ bê tông siêu tính năng vừa được đổ xuống mặt cầu; những máy móc đồng bộ, hiện đại mới được nhập về phục vụ dự án trọng điểm này. Kỹ sư Nguyễn Văn Hợi cho biết thêm, để kịp hoàn thành dự án vào cuối tháng 12-2020 theo đúng tiến độ, khoảng 270 kỹ sư, công nhân của liên danh nhà thầu thường xuyên bám trụ công trường, thi công 3 ca liên tục (24/24 giờ) không ngừng nghỉ. Đến thời điểm này, khối lượng công việc đã đạt trên 15%.

“Nhân lực, vật lực đều đã đủ, công nghệ thi công cũng đã làm chủ được, về cơ bản chẳng còn ngại gì, chỉ ngại trời mưa kéo dài!”, Giám đốc Nguyễn Văn Hợi chia sẻ.

Công nghệ mới sẽ mang đến thành công

Như nhiều kỹ sư, công nhân khác, suốt hai tháng qua, kể từ ngày dự án được khởi công (ngày 16-8-2020), Giám đốc Nguyễn Văn Hợi hầu như không rời khỏi công trường để bảo đảm mọi việc vận hành thông đồng, bén giọt. Sự tự tin của vị giám đốc điều hành đã từng lăn lộn trên nhiều công trường cầu, đường của cả nước cũng đã “lây” sang tôi – người từng có mặt chứng kiến những mẻ bê tông nhựa thảm xuống mặt cầu Thăng Long trong lần đại tu thứ hai vào năm 2009 (sau đó bị xuống cấp mà theo lý giải của các chuyên gia giao thông là do độ bám dính giữa lớp bê tông nhựa mới và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu).

Có mặt trên công trường đại tu mặt cầu lần thứ ba này, tôi còn nhận thấy sự tự tin ở rất nhiều người khác. An toàn – chất lượng – tiến độ luôn là yêu cầu được chủ đầu tư cũng như các đơn vị tư vấn, nhà thầu nghiêm túc thực hiện. Trong suốt quá trình triển khai dự án, đội ngũ chuyên gia và cán bộ hiện trường luôn kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu, các mũi thi công trên công trường, bảo đảm thực hiện đúng theo quy trình công nghệ đã được phê duyệt.

Nói về công nghệ mới sửa chữa cầu Thăng Long, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, do công nghệ lần này hoàn toàn mới nên công tác chuẩn bị được thực hiện kỹ càng từ trước đó hơn 1 năm, đặc biệt là việc nghiên cứu, thí nghiệm bê tông siêu tính năng và công nghệ hàn đinh neo trên mặt thép. Đến nay, quy trình này đã được hoàn thiện. Các kỹ sư, người lao động Việt Nam hoàn toàn làm chủ được công nghệ và rút ngắn thời gian thi công. Máy móc, vật liệu cũng đã được tập kết, đáp ứng đầy đủ cho công tác thi công.

Theo quan sát của chúng tôi, trên mặt cầu, những hàng đinh neo được công nhân hàn ngay ngắn thành những ô vuông vức, thẳng hàng và đều tăm tắp. Tổng cộng có khoảng 1,5 triệu chiếc đinh neo như vậy được hàn trên mặt thép bằng công nghệ hàn Plasma với thời gian hàn đinh chỉ trong 0,4 giây, cực nhanh để không tạo ra nhiệt trên mặt cầu.

Quy trình đổ bê tông siêu tính năng cũng được thực hiện khá nghiêm ngặt. Bê tông đổ xong sẽ được hấp ẩm hơi nước ở nhiệt độ 80 độ C trong vòng 72 giờ liên tục, bảo đảm sau 5 ngày đạt cường độ 100%. Dự kiến, mỗi phân đoạn sẽ thi công trong vòng 2 ngày. Với tổng cộng 36 phân đoạn, công tác đổ bê tông sẽ hoàn thành vào giữa tháng 12-2020.

PGS.TS Ngô Văn Minh, Trường Đại học Giao thông – Vận tải (thành viên nhóm nghiên cứu và tư vấn thiết kế dự án) cho hay, để áp dụng công nghệ mới vào sửa chữa mặt cầu Thăng Long, nhóm nghiên cứu đã đi khảo sát tại các nước châu Âu như Bỉ, Hà Lan và một số nước đã ứng dụng thành công như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… để tìm hiểu và học hỏi, sau đó mới tiến hành thực nghiệm. Điểm nổi bật của bê tông siêu tính năng là tạo ra khả năng chịu nén và chịu kéo tốt hơn cho mặt cầu. Công nghệ sửa chữa lần này sẽ khắc phục thành công mọi hư hỏng của mặt cầu trước đây.

Cách công trường sôi động ấy không xa lắm, chỉ vài trăm mét là điểm cuối của cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long trên tuyến Vành đai 3. Cầu cạn vừa được Bộ Giao thông – Vận tải hoàn thành ngày 11-10-2020 nhưng vẫn đang được ngăn cách, chưa cho phép phương tiện lưu thông toàn tuyến, bởi cầu Thăng Long đang sửa chữa, hẹn ngày “hợp long” không xa. Với sự quyết tâm, nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” của những kỹ sư, công nhân trên công trường, chỉ khoảng một tháng rưỡi nữa, “nút thắt” giao thông này sẽ được giải tỏa, kết nối đồng bộ với đường Vành đai 3 trên cao và khơi thông tuyến huyết mạch kết nối trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài cùng các tỉnh lân cận, góp phần giảm ùn tắc, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *