Chiều qua, 7/1/2022 Tổng cục Đường Bộ Việt Nam đã tổ chức Hôi nghị tổng kết đánh giá sau 1 năm hoàn thành dự án sủa chữa mặt cầu Thăng Long.
Đến dự với Hội nghị có các nhà khoa học, tổ chuyên gia của Tổng cục PGS. Tống Trần Tùng, TS. Trần Bá Việt, TS. Cao Phú Cường, Các nhà khoa học thuộc cơ quan tư vấn của dự án: PGS. Nguyễn Ngọc Long, GS. Trần Đức Nhiệm, PGS. Ngô Văn Minh, PGS. Bùi Tiến Thành, PGS. Lã Văn Chăm, TS. Lê Xuân Chiểu và các giáo sư tiến sỹ khác.
Về dự còn có các đơn vị tư vấn: Tư vấn giám sát, kiểm định, thẩm tra, định mức, chúng nhận hợp chuẩn, và liên doanh nhà thầu thi công: công ty Thành Hưng chủ trì liên danh, thi công lớp bê tông siêu tính năng- UHPC, liên hợp bản mặt cầu, công ty Vĩnh Hưng thi công phần sơn chống rỉ giàu kẽm bền kiềm cho lớp bản mặt thép của cầu, đinh neo, cốt thép, tạo nhám mặt bê tông UHPC, thay thế 6 khe co giãn, sửa phần thoát nước; công ty Phương Thành cào bóc lớp SMA cũ, Epoxy nhiệt dẻo tăng dính bám thảm polymer asphal, làm hộ lan.
Về phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Lê Đình Thọ, người đã thay mặt bộ GTVT chỉ đạo dự án này từ năm 2019. Tham dự còn có lãnh đạo các cục vụ khác của Bộ. Về phía Tổng cục có Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục phó Nguyễn Mạnh Thắng, cục trưởng Vũ Hải Tùng và các đồng chí lãnh đạo cục, cán bộ của các cơ quan chuyên môn của tổng cục. Đến dự và đưa tin có các cơ quan thông tấn báo đài.
Nhìn lại và đánh giá 1 năm sau khi thông xe lại cầu Thăng Long, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng phương án được lựa chọn dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ và thực tiễn đã được thực nghiệm của chúng ta chứng minh, được thế giới áp dụng đại trà, và được tổ chức thực hiện với sự đầu tư công nghệ, kiểm định, TVGS liên tục, chuẩn xác, đã cho kết quả rất tốt đẹp, đáp ứng các yêu cầu thiết kế và sử dụng. Đó còn là bài học về sự chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt, thống nhất, sự đồng lòng, đoàn kết, sự kết hợp trí tuệ Việt Nam và hợp tác quốc tế.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện đánh giá cao sự hợp tác và ý kiến của Tổ Chuyên gia, đặc biệt là PGS. Tống Trần Tùng, TS. Trần Bá Việt, và PGS. Nguyễn Viết Tuệ, cùng các đơn vị tư vấn, đặc biệt là ĐHGTVT – TEDI, sự làm việc hết mình, tập trung quyết liệt của liên doanh các nhà thầu để hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng đáp ứng và vượt yêu cầu thiết kế.
Tại hội nghị PGS Tống Trần Tùng cũng đã ôn lại các kỷ niệm và cho rằng sử dụng lớp phủ UHPC liên hợp mà TS. Trần Bá Việt đề xuất, lớp keo Epoxy Nhiệt dẻo, và lớp phủ Asphalt là phù hợp nhất và đã được thực nghiệm tại Việt Nam chứng minh.
Trần Bá Việt, chuyên gia cao cấp đã phát biểu:
PCT – Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam,
Thành viên Viện bê tông Hoa Kỳ
Trưởng ban TCVN Bê tông và BTCT- Bộ KHCN
Chuyên gia cao cấp của Công ty cổ phần sáng tạo và chuyển giao công nghệ Việt Nam
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng cục, các anh chị và các đồng nghiệp.
Sau một năm thông xe mặt cầu Thăng long, chúng ta vui mừng gặp nhau, để thấy rằng kết quả của nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, kiểm định, mô phỏng, thiết kế tính toán, tổ chức và quản lý thi công, chủ trương của lãnh đạo Bộ GTVT, cụ thể là Thứ trưởng Lê Đình Thọ và Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện và các cục vụ viện liên quan trong dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã cho kết quả tốt, tin cậy đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và kỳ vọng của ngành, của nhân dân cả nước, và là báo cáo tốt đẹp của ngành GTVT trước Quốc hội.
Tôi còn nhớ tại buổi họp tại nhà máy UHPC của Công ty Thành Hưng Tuyên Quang, TT Lê Đình Thọ và TCT Nguyễn Văn Huyện trên cơ sở KHCN, thực nghiệm thực tiễn và các điều kiện công nghệ và thời tiết Việt nam cụ thể, đã quyết định sử dụng công nghệ UHPC 60mm liên hợp nhẹ bản mặt thép dầm trực hướng để gia cường, tăng cứng, giảm dao động, giảm độ võng cho bản mặt thép sau 35 năm khai thác sử dụng, và trên đó tạo nhám mặt UHPC bằng bắn bi thép tuần hoàn, quét keo Epoxy nhiệt dẻo Hyper để tăng liên kết và tăng chống thấm, và thảm lớp polymer 40mm. Và một cấu tạo nhiều lớp phù hợp, với công nghệ thi công hiệu chỉnh phù hợp như bảo dưỡng nhiệt ẩm, bắn bi thép tuần hoàn tạo nhám mặt lớp UHPC, phân chia khối đổ hợp lý, làm nhà che tạm để đảm bảo chất lượng cho phép thi công liên tục trong mọi điều kiện thòi tiết, cùng với đó là thay mới 6 khe co giãn, làm mới hệ thống thoát nước, hành lang đi bộ, hộ lan, phân làn giao thông, với các nghiên cứu, sáng tạo, sáng kiến của tư vấn, nhà thầu đã làm cho dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng cao, độ tin cậy cao, tuổi thọ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án, với giá thành rẻ.
Sau đây cũng đề nghị Bộ và Tổng cục chỉ đạo và phân bổ kinh phí cho báo cáo tổng kết về KHCN của dự án và các tư liệu như phim tài liệu KHCN, phòng trưng bày các hiện vật tài liệu và phát huy nhân rộng cho các cầu khác sử dụng bản mặt liên hợp nhẹ UHPC cho các cầu dây võng, dây văng trong thời gian sắp tới. Tôi cũng kính đề nghị Bộ khen và thưởng cho các cá nhân và đơn vị đã tham gia dự án kịp thời và truyền thông tới các cơ quan thông tấn về việc này.
Qua đây tôi cũng trân trọng đề nghị Bộ GTVT và Hà Nội sớm có biện pháp hạn chế tải trọng một cách khoa học, để đảm bảo hoạt động và tuổi thọ của cầu Thăng long được lâu dài.
Trong hơn hai năm qua tôi ghi nhớ các kỷ niệm, tình cảm, sự làm việc có trách nhiệm và hiệu quả của các cơ quan quản lý, các đồng chí lãnh đạo Bộ, Tổng cục, sự tận tuỵ, sâu sát không quản ngày đêm của đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng Phó Tổng cục trưởng, đồng chí Nguyễn Trung Sỹ, Vũ Hải Tùng lãnh đạo cục, đồng chí Nguyễn Xuân Trường và đồng chí Vũ Minh Thuận lãnh đạo Ban 3, đồng chí Trần Thanh Hải GĐ BQLDA, các đồng chí trưởng phó phòng và cán bộ cục như đồng chí Chiến, đồng chí Khiếu, đồng chí Hiếu, các anh em tư vấn kiểm định thuộc ĐH GTVT, lập dự án thiết kế ĐHGTVT và TEDI Cầu lớn hầm, thẩm tra thiết kế ĐHXD, TVGS- ITST, Tư vấn kiểm định hiện trường-VIBM, ĐH CNGTVT, ĐH Kiến trúc HN, Tư vấn chứng nhận hợp chuẩn- IBST, nhà thầu thi công, đặc biệt 3 nhà thầu chính Thành Hưng, Vĩnh Hưng, Phương Thành và Công ty Thiên Trường, cùng các nhà thầu phụ và cung cấp vật tư thiết bị như Taiyu, Kansai- Nhật bản, BASF Đức, Elkem- Nauy, bắn bi thép tuần hoàn tạo nhám- Đức, đã huy động mọi khả năng, ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng tiến độ cao nhất.
Tôi cũng ghi nhớ và tôn vinh sự cống hiến trí tuệ, sự tận tuỵ, dân chủ và trung thực khoa học của các nhà khoa học, các giáo sư như PGS Nguyễn Ngọc Long hiệu trưởng ĐHGTV, GS Trần Đức Nhiệm, GS Bùi Xuân Cậy, PGS Bùi Tiến Thành, PGS Ngô Văn Minh, PGS Lã Văn Chăm, PGS Trần Thị Kim Đăng, TS Hoàng Việt Hải, TS Nguyễn Văn Hậu, TS Lương Xuân Chiểu, TS Ngô Xuân Quý, các nhà khoa học trong Nhóm chuyên gia của Tổng cục: PGS Tống Trần Tùng, GS Nguyễn Viết Tuệ, Bác Chu Ngọc Sủng, TS Phạm Huy Cường.
Tôi ghi nhớ nhiều đến sự hợp tác quốc tế vô tư trong sáng, hiệu quả của các nhà khoa học, giáo sư từ Pháp, Đức, Đan Mạch, Hoa kỳ, Trung Quốc, Áo, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản đã góp ý, tư vấn chuyên môn kịp thời trong suốt thời gian thực hiện dự án theo qua online. Chúng ta đã xây dựng được niềm tin và uy tín khoa học và công nghệ với giới học thuật và chuyên môn trên thế giới. Báo cáo hội nghị và Thứ trưởng, Hội bê tông Việt Nam đã được Liên đoàn Bê tông Châu Á, chọn và giao tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 3 về UHPC tại Hà Nội, vào 3 ngày tháng 10 năm 2022, và lấy hiện trường cầu Thăng long làm điểm tham quan khoa học. Và trong hai năm qua tôi đã đuọc mời trình bày keynot tại 3 Hội thảo về UHPC cho cầu và sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Điều này là vinh dự và uy tín mà Việt Nam có được. Vì vậy nhân đây Hội Bê Tông Việt Nam cũng đề nghị Tổng cục hỗ trợ Hội nghị này cùng với Hội Bê tông Việt Nam. Xin báo cáo thêm là trong năm 2022 Bộ Xây Dựng sẽ trình Tổng cục TCĐLCL- Bộ KHCN Ban hành Bộ gồm 3 TCVN về UHPC: Thiết kế- Thi công- Vật liệu, phương pháp thử. Như thế công nghệ UHPC đã đầy đủ hành lang pháp lý và thuận lợi cho ứng dụng trong thực tiễn tại nước ta. Và ngày 14/1 này, tại Long An cũng tổ chức Hội thảo về công nghệ UHPC và ứng dụng, nhân dịp khánh thành đưa vào sử dụng cùng lúc 4 cầu sử dụng dầm Pi – UHPC tiền chế tại Huyện Vĩnh Hưng.
Như vậy điều kiện cần của dự án là chúng ta đã làm chủ công nghệ UHPC trong thực tiễn nhiều năm trước qua việc thiết kế xây dụng 20 cầu UHPC, và với đầu tư lớn các thiết bị một cách kịp thời như trạm tự động Skako Đan mạch, trạm hiện trường kép 4 máy trộn tốc dộ cao với Chiller làm lạnh để hạ nhiệt độ hỗn hợp UHPC, máy cán rải liên hợp, hệ thống bảo dưỡng, hệ thống phun sương, hệ thống bắn bi thép tuần hoàn di động để tạo nhám mặt UHPC, hệ thống trạm trộn polymer asphalt nhiệt nóng, và lựa chọn lớp bám dính nhiệt dẻo Epoxy Hyper nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản; Sơn chống rỉ giàu kẽm bền kiềm của Kansai Nhật bản, các loại phụ gia điều chỉnh độ chảy nhập từ BASF Đức để cán rải UHPC với độ dốc ngang 2%, phụ gia hoạt tính mạnh nhập từ ELKEM Nauy và sợi thép đạt tiêu chuẩn ASTM nhập từ Trung Quốc, studs ngắn đạt tiêu chuẩn ISO với 1,6 triệu con cũng được nhập về đến công trường.
Tôi cảm nhận sức nóng và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, sát thực tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, lắng nghe các ý kiến, nhất là ý kiến phản biện, phải chịu trách nhiệm và sức ép rất lớn của đồng chí Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng trong suốt hơn hai năm thực hiện dự án.
Dự án có kết quả như hôm nay, tôi còn nhớ vào tháng 9 năm 2019, sau khi kiểm tra mặt cầu Thăng long, lúc đó đã 6 giờ chiều, thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo Vụ KHCN, PGS Hoàng Hà và TS Dương đã đến LAS ĐHGTVT xem và nghe báo cáo kết quả thử UHPC liên hợp trên mô hình nhỏ bằng nguồn của đơn vị tự thực hiện theo công văn giao nhiệm vụ của Tổng cục, Sau khi nghe tôi và TS Quý báo cáo kết quả thử nghiệm mô hình nhỏ, nhất là kết quả thử mỏi và thử tới phá huỷ chỉ xảy ra khi sườn thép trực hướng bị chảy dẻo, mà sự làm việc của lớp UHPC liên hợp vẫn còn đảm bảo, mô hình do Trung tâm KHCNGTVT và Hội Bê tông Việt Nam thực hiện rất khả quan và khích lệ, vượt hơn 3 lần khả năng làm việc của bản thép trực hướng, Thứ trưởng đã có nhận định và chỉ đạo chuẩn xác là cần phải gấp rút tập trung nghiên cứu đi sâu về giải pháp UHPC liên hợp nhẹ với bản mặt thép trực hướng. Và ngay sau đó Hội BTVN được Tổng cục đề nghị bằng văn bản, đã tổ chức chuyến khảo sát học tập kinh nghiệm cho các GS, Chuyên gia và cơ quan quản lý, về sửa chữa bản mặt cầu thép trực hướng tại nước ngoài, và kết quả là chúng ta đã có niềm tin và cơ sở thực tiễn để khẳng định giải pháp UHPC liên hợp nhẹ cho bản mặt thép cầu trực hướng là giải pháp khoa học hợp lý. Các báo cáo và hội thảo sau đó tại Tổng cục và Bộ GTVT đã chứng minh và thuyết phục các nhà khoa học, cơ quan quản lý về giải pháp này. Thực tế ngày hôm nay cho thấy các chỉ đạo là đúng đắn và chuẩn xác, dựa trên logic khoa học, cơ sở thực nghiệm chứng minh, sự đảm bảo về công nghệ trong thực tiễn.
Thành công của dự án có một phần là chúng ta không bị covid suốt trong thời gian thực hiện dự án, có thể nói là Thiên thời- Địa lợi- Nhân hoà.
Bài học của dự án là chúng ta đã tin tưởng đội ngũ KHCN, có bước đi phù hợp, quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, truyền thông kịp thời, đoàn kết thống nhất thì chúng ta sẽ thành công. Và trên hết đó là sự tự trọng, đạo đức nghề nghiệp và danh dự, dám chịu trách nhiệm của mỗi người ở mỗi cương vị đã là yếu tố quyết định cho thành công và tiến độ của dự án.
Và tôi cũng rất vui mừng sau dự án nhiều đồng chí đã được giao nhiệm vụ mới, trách nhiệm cao hơn với sự tín nhiệm của đồng nghiệp và cấp trên. Chúng ta đã có thêm thế hệ được trưởng thành qua thực tiễn.
Tôi cũng xin được tri ân các thế hệ đã xây dựng cầu Thăng long, đại diện là Bác Hoàng Minh Chúc, nguyên Tổng GĐ liên hợp xí nghiệp cầu Thăng long năm 1985, nay đã 83 tuổi, đã không quản tuổi cao, lên trực tiếp trên mặt cầu động viên anh em quản lý, kỹ thuật và nhà thầu thi công.
Những hình ảnh thế hệ trước và thế hệ hôm nay, nối tiếp xây dựng, sửa chữa và giữ gìn cây cầu Thăng long lịch sử, cây cầu của tình hũu nghị Việt-Xô, cây cầu đường sắt hai tầng, tải trọng lớn nhất Việt Nam, và còn lớn hơn cả cầu Trường Giang- Vũ Hán, sẽ còn mãi trong tim mỗi chúng ta.
Xin chúc sức khoẻ, chúc mừng năm mới tới các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí, đồng nghiệp và gia đình năm mới, năm Con Hổ An khang, Thịnh vượng và Hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn.
TS.Trần Bá Việt.
Nghiên cứu viên cao cấp
Chuyên gia dự án
Trần Đức Nhiệm đã đánh giá cao về giải pháp UHPC liên hợp do TS. Trần Bá Việt đề xuất và đã thuyết phục, chứng minh với các nhà khoa học, cơ quan quản lý để được chấp nhận, song song với đó TS. Trần Bá Việt đã giảng dạy cho TVGS, chuyên gia của đơn vị kiểm định, hỗ trợ liên doanh nhà thầu thi công trong suốt quá trình thi công để đảm bảo chất lượng thi công, đặc biệt là lớp UHPC liên hợp, keo Epoxy và Polymer Asphalt.
Đại diện nhà thầu thi công Ông Nguyễn Ngọc Đình chủ trì liên danh, Chủ tich Công ty Thành Hưng đã bày tỏ sự đầu tư công nghệ thiết bị con người quyết liệt, tổ chức thi công hợp lý, không quản ngày đêm, hoàn thành với chất lượng cao nhất và tiến độ 115 ngày đêm hoàn thành dự án. Ông đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới các nhà khoa học, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý đã chỉ đạo ủng hộ giúp đỡ sát cánh cùng nhà thầu để hoàn thành nhiệm vụ.
Trước thềm năm mới, mặt cầu sau 1 năm sử dụng khai thác, có chất lượng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, xe chạy êm thuận 80km/h, lưu lượng xe 50.000 xe/ngày đêm mặc dù vẫn có xe quá tải. Sắp tới Bộ và TP Hà Nội sẽ triển khai lắp đặt trạm cân tự động để giám sát, hạn chế xe quá tải, bảo vệ mặt cầu và cây cầu, để cây cầu lịch sử làm việc được lâu dài.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng thống nhất cần làm tổng kết Khoa học, tư liệu, hiện vật, phim tư liệu để lưu trữ phục vụ công tác duy tu, bảo trì, nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Thứ trưởng cũng nhất trí cao đề nghị khen thưởng xứng đáng kịp thời cho các tổ chức các nhân đã có thành tích.
Hội nghị đã thành công với sự nhất trí cao, sự đoàn kết. Tin tưởng rằng cây cầu Thăng Long lịch sử sẽ được giữ gìn, phát huy trong cuộc sống hôm nay và mai sau.