Sáng ngày 12/9/2020, Hội Bê tông Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến lần thứ nhất, với chủ đề “Bê tông cốt sợi, Bê tông tính năng siêu cao và ứng dụng tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có hơn 150 người hoạt động trong nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng bê tông trên khắp cả nước.
Mở đầu Hội thảo, PGS. TS. Lê Trung Thành Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng đã trình bày báo cáo về quá trình nghiên cứu phát triển Bê tông cốt sợi tại Việt Nam và các ứng dụng trong xây dựng cơ sở hạ tầng.
Sau đó, TS. Trần Bá Việt Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bê tông Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng, chuyên gia tư vấn sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã giới thiệu về bê tông tính năng siêu cao (UHPC) và ứng dụng trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long. TS. Việt cho biết, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long hoàn toàn do các đơn vị trong nước nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nước ngoài và trong nước. Tổ tư vấn gồm Các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia tư vấn, góp ý cho giải pháp công nghệ: GS.TS. Trần Đức Nhiệm (Đại học Giao thông vận tải), GS.TS. Nguyễn Việt Tuệ (TU Graz – Áo), GS.TS. Tống Trần Tùng (Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam), TS. Trần Bá Việt (Hội Bê tông Việt Nam.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến hư hỏng mặt cầu Thăng Long được xác định:
1. Nguyên nhân từ độ cứng nhỏ của bản mặt cầu
– không đạt yêu cầu về độ cứng theo TCVN 11328:2017; dẫn đến độ võng tĩnh tích lũy đáng kể.
– chịu kéo theo cả phương dọc và phương ngang đều lớn.
– bị võng cục bộ.
2. Nguyên nhân từ chất lượng lớp phủ mặt cầu
– lớp phủ bê tông Asphalt không đạt yêu cầu.
– Dính bám giữa lớp phủ Asphalt với mặt cầu thép kém, nhiều vị trí không dính bám.
– Lớp phủ rỗng, đọng nước giữa lớp phủ và mặt thép.
3. Tải trọng khai thác quá tải lớn.
Từ đó xác định giải pháp sửa chữa phải đảm bảo các vấn đề chính:
– Tăng cường độ cứng cho bản mặt cầu bằng cách cải tạo mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ (LWSD) – liên hợp giữa bản mặt thép trực hướng hiện tại với bê tông siêu tính năng UHPC: Liên hợp giữa bản mặt thép trực hướng hiện tại với bê tông siêu tính năng cường độ tối thiểu bằng 150MPa, dày tối thiểu 60mm. Liên kết giữa bản mặt thép hiện tại và bê-tông siêu tính năng bằng đinh neo chống cắt tiêu chuẩn (Studs) dài 50mm.
– Lớp phủ phía trên lớp UHPC: là bê tông nhựa Polymer dày 40mm sau khi tạo nhám và dính bám.
– Chống thấm, chống đọng nước xuống bề mặt bản thép.
– Giảm ứng suất trong các bộ phận thép.
TS, Việt cũng cho biết, các đơn vị thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long là các đơn vị trong nước có nhiều kinh nghiệm và có đầy đủ trang thiết bị phục vụ thi công; trong đó Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng là đơn vị sản xuất, cung ứng và thi công lớp phủ UHPC. Vì vậy, với việc sử dụng hoàn toàn nội lực và sự nghiên cữu kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo, Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long nhất định đáp ứng tiến độ và đảm bảo thành công.
Về ứng dụng của bê tông cốt sợi, Hội thảo cũng được nghe báo cáo của TS. Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) trình bày kết quả ứng dụng công nghệ bê tông cốt sợi phi kim hoàn thành dự án kè bờ hồ Hoàn Kiếm bảo đảm hoàn toàn giữ nguyên trạng cảnh quan của bờ hồ.
Dưới đây là một số hình ảnh: