Ngày 18-19/11/2023 tại Melia Vinpearl Cửa Hội, hơn 250 KTS từ khắp các vùng miền đã đến Nghệ An tham dự Hội thảo Gặp gỡ Mùa Thu 2023 với chủ đề: Vật liệu & Công nghệ thích ứng với kiến trúc bản địa.
Gặp gỡ mùa thu là hoạt động chuyên môn được Hội KTS Việt Nam tổ chức thường niên với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, KTS trên cả nước. Năm 2023, chương trình diễn ra với các hoạt động như: Hội thảo khoa học, triển lãm kiến trúc, giao lưu giữa các Hội KTS địa phương và tham quan một số địa điểm nổi tiếng tại Nghệ An.
Hội thảo Gặp gỡ mùa thu lần này có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, Ban ngành TƯ: Ông Phạm Trung Giang – Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức phi chính phủ – Bộ Nội Vụ; TS. KTS Hồ Chí Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TƯ; Về phía lãnh đạo tỉnh Nghệ An có sự tham gia của ông: Ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An; KTS Vũ Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An; Về phía Hội KTS Việt Nam có: TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cùng các Phó Chủ tịch, Lãnh đạo, Ủy viên ban thường vụ, Ủy viên BCH, chủ tịch Hội và các chi hội cơ sở cùng đông đảo các KTS trên khắp cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: “Trong sự phát triển của kiến trúc từ ngày phôi thai, vật liệu đã đóng một vai trò rất quan trọng, đó chính là “bột” để gột nên “hồ” là các tác phẩm kiến trúc trường tồn với thời gian. Muốn kết nối từ vật liệu để thành tác phẩm kiến trúc thì ngoài bàn tay, khối óc của con người cần có phương pháp và công cụ tiến hành, đó chính là công nghệ. Ngày nay, khi kiến trúc đã vươn đến một tầm cao mới, hiện đại vượt bậc, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của phát triển nhân loại trong thời kỳ 4.0, thì vai trò của vật liệu và công nghệ càng cần thiết hơn bao giờ hết, cho mọi lĩnh vực, trong đó có kiến trúc”.
Ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết: “Những đổi thay về công nghệ, vật liệu xây dựng cũng tạo ra những cặp mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, tiến độ và chất lượng, bền chắc và thẩm mỹ… Tất cả những mâu thuẫn đó đang rất cần khoa học hỗ trợ, kết nối hài hòa tạo nên sự phát triển bền vững, khởi nguồn cho những động lực phát triển mới. Đây là Hội thảo mang nhiều ý nghĩa, góp phần làm đậm đà hơn bản sắc kiến trúc Việt Nam. Hội thảo này cũng sẽ giúp mở ra cách nhìn mới, hướng đi mới khai thác tiềm năng phát triển ngành Vật liệu xây dựng tỉnh Nghệ An”.
Ông cũng bày tỏ thêm: “Tôi mong rằng sau Hội thảo lần này, Hội KTS Việt Nam sẽ có những quan điểm, luận cứ vững chắc trên con đường sáng tác định hướng chung đến các KTS hành nghề có thêm nhiều kiến thức bổ ích, đóng góp nhiều cho nền kiến trúc Việt Nam”.
Hội thảo khoa học “Vật liệu & Công nghệ thích ứng với kiến trúc bản địa” có sự tham gia của các diễn giả trong nước và quốc tế. Mở đầu chương trình là bài luận của TS. Trịnh Minh Đạt – Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng về chủ đề: Vật liệu xây dựng thích ứng khí hậu Việt Nam. Ông cho biết, vật liệu xây dựng phát triển theo thời gian nhằm thích ứng với khí hậu (đáp ứng khả năng chịu lực, đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ theo thời gian), trong đó có thể chia làm ba nhóm chính bao gồm: vật liệu kết cấu, vật liệu bao che, và các loại vật liệu hoàn thiện công trình. Việc phát triển vật liệu xây dựng tính năng cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường cũng đồng thời là cơ sở cho kiến trúc hiện đại phát huy tính sáng tạo và trở thành xu hướng phát triển tất yếu gắn liền kiến trúc và vật liệu trong tương lai đối với nền kiến trúc Việt Nam.
Tiếp nối là bài chia sẻ của Nhà sáng chế Đỗ Đức Thắng về “Công nghệ xây dựng đồng hành và hỗ trợ các kiến trúc sư”. Ông chia sẻ, trong các công trình xây dựng thường bắt gặp các nghịch lý: Lạm dụng cọc móng, Dùng vật liệu đơn điệu, Ưa dùng nhịp nhỏ, Ưa dùng gạch đất sét nung cho mọi công trình. Tại Hội thảo, ông cũng chia sẻ thêm về công nghệ xây dựng đồng hành và hỗ trợ trong xây dựng nhà ở xã hội và nông thôn mới.
Chia sẻ về chủ đề “Bê tông siêu tính năng UHPC và ứng dụng trong tạo hình kiến trúc” và “Xây dựng nhà theo phương pháp nhà lắp ghép cấu kiện”, TS.Trần Bá Việt – Thành viên Hiệp hội Bê tông Hoa Kỳ nhận định: “Việt Nam trước đây 40-50 năm đã có một số khu tập thể sử dụng công nghệ lắp ghép như tại Tp Vinh, Hà Nội. Công nghệ sử dụng tấm sàn tường chịu lực, mối nối ướt. Một số công trình chỉ sử dụng panel hộp, còn khung cột tường thi công tại hiện trường. Các công trình lắp ghép giai đoạn đó đến nay đã 50 năm, chất lượng xuống cấp cả về kết cấu, vật liệu, mối nối và ME, cần phải dần thay thế. Nhưng qua đó chúng ta cũng đã có được kinh nghiệm về xây dựng nhà lắp ghép thấp tầng và một số nhà máy còn tồn tại đến nay”. Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị, CĐT cần phải có chủ trương thiết kế điển hình cho nhà ở xã hội, nhà ở khu công nghiệp và khi đó phải yêu cầu thiết kế được triển khai trên nền tảng BIM để có thể triển khai thiết kế thi công, thiết kế chế tạo, vận chuyển lắp đặt hoàn thiện, quản lý KTXD được nhanh và hiệu quả. Chỉ như vậy, giải pháp nhà lắp ghép mới có thể đi vào cuộc sống, nhà đầu tư chế tạo cấu kiện, nhà thầu xây dựng mới có hiệu quả.
KTS. Nguyễn Xuân Minh – Công ty Kiến trúc BHA mang tới Hội thảo chủ đề: Giải pháp kiến trúc bền vững phù hợp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Với hơn 20 năm hành nghề thiết kế, chủ yếu là các công trình ở Huế và miền Trung, KTS đã đưa ra 4 giải pháp đã được thực nghiệm qua các công trình đã xây dựng gồm: Nghiên cứu kỹ lưỡng tổng mặt bằng công trình, Lớp vỏ và khoảng trống, Thiết kế không gian đóng mở và Sử dụng vật liệu bền vững. KTS Nguyễn Xuân Minh nhận định: “Công trình kiến trúc phải phù hợp với Nơi Chốn. Một công trình ở miền Trung thì phải phù hợp với khí hậu, phù hợp tính cách nhẹ nhàng, lối sống giản dị, hài hòa tự nhiên, văn hóa đậm đà của người miền Trung. Những giải pháp thực nghiệm trong công trình của tôi có thể chưa phải hoàn chỉnh nhưng đó là các giải pháp cơ bản, dễ áp dụng, khá hiệu quả và kinh phí thấp. Tôi luôn hướng đến kiến trúc trong sáng, cân bằng và cảm xúc”.
Tại Hội thảo còn có sự tham gia chia sẻ của chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm. KTS Hiroyuki Enomoto – Giám đốc thiết kế cấp cao – Kiến trúc sư cấp 1 – Công ty TNHH Azusa Sekkei Việt Nam mang đến chủ đề “Sự giao thoa giữa Văn hóa và Công nghệ trong thiết kế sân bay”. Các tiêu chí thiết kế cho một dự án sân bay, trước hết là Vị trí Địa lý của công trình và tiếp theo là yếu tố Văn hóa bản địa, kỹ thuật. Tại đây, KTS cũng đã chia sẻ về thiết kế trong các công trình sân bay như: Nhà ga quốc tế NAHA, Nhà ga quốc tế T2 Haneda, Nhà ga hàng không quốc tế Ulaanbaatar, và đặc biệt là công trình mới hoàn thiện tại Việt Nam – Nhà ga hàng không Quốc tế T2 Phú Bài….
Vật liệu xanh, giải pháp xanh là một trong những vấn đề quan trọng được các KTS và nhà thầu quan tâm. Bà Bế Mai Hạnh – Giám đốc đào tạo Công ty Viglacera trình bày về “Bê tông khí chưng áp Viglacera và đá nung kết Vasta, giải pháp xanh cho xây dựng hiện đại”. Trong đó, Bê tông khí chưng áp là một sản phẩm vật liệu xây dựng không nung sở hữu rất nhiều các ưu điểm như: Thân thiện với môi trường, khả năng cách âm cao, khả năng cách nhiệt – chống cháy, bền chắc và thông gió tốt. Vì vậy nó có thể thay thế cho gạch đỏ hoặc gạch không nung khác và đặc biệt phù hợp với khí hậu của một đất nước có bờ biển kéo dài từ Bắc vào Nam.
Trả lời cho vấn đề chi phí và phương thức chuyển giao công nghệ lắp ghép, TS. Trần Bá Việt – Thành viên Hiệp hội Bê tông Hoa Kỳ cho biết: “Để giảm chi phí thì kết cấu lắp ghép phải Việt hóa và cần sản xuất với số lượng lớn. Nhà lắp ghép có 3 mẫu: thấp tầng, trung tầng và cao tầng. Sau khi lựa chọn được phương án kiến trúc sẽ được chia thành cấu kiện và phối hợp đơn vị chuyên trách để chuyển giao công nghệ gồm thiết kế và thiết lập dây chuyền sản xuất (khuôn mẫu, cấu kiện, lắp ghép và đưa ra sản phẩm”.
Đại diện Công ty TNHH Azusa Sekkei Việt Nam, KTS Hiroyuki Enomoto – Giám đốc thiết kế cấp cao – Kiến trúc sư cấp 1 đã trả lời về vấn đề nghiệm thu công nghệ và vật liệu mới trong công trình. Công ty đã phải kết hợp với nhà thầu địa phương để chứng minh với cơ quan quản lý nhà nước về khả năng chịu lực, hướng gió, độ an toàn…
Buổi thảo luận đã diễn ra sôi nổi với những câu hỏi đến từ các KTS và Hội địa phương xoay quanh vấn đề Vật liệu và công nghệ thích ứng với kiến trúc bản địa.
Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2023 đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều kiến thức quý giá về vật liệu và công nghệ thích ứng với kiến trúc bản địa từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Mong rằng với sự đồng hành của Hội KTS Việt Nam, các KTS sẽ cùng chung tay trong các vấn đề thời sự của đất nước, đưa Việt nam ngày càng phát triển lớn mạnh.