Giá trị giải ngân vốn năm 2023 cho Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu đạt 767,2 tỷ đồng trên tổng số 890,8 tỷ đồng vốn bố trí trong kế hoạch, đạt 86,1%. |
Dự án thành phần (DATP) 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp có chiều dài khoảng 16 km, tổng mức đầu tư sơ bộ là 3.640 tỷ đồng. Gói thầu quan trọng nhất của DATP 1 là Gói thầu số 14 Thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng có giá 2.805 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 840 ngày, do Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C – Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An – Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO thi công.
Ông Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng thuộc Công ty VNCN E&C cho biết, VNCN E&C đảm nhiệm thi công từ điểm giao với mố B cầu Kênh Xáng số 1 đến cuối tuyến (mố B cầu Xẻo Quýt). Nhà thầu đã huy động nhiều nhân sự, thiết bị triển khai 8/9 vị trí đối với phần đường và thi công 6 trên tổng số 9 cầu. “Tổng khối lượng cát đã đắp đạt 50.712 m3, giá trị thực hiện đạt 54,7 tỷ đồng trên tổng số 1.237,2 tỷ đồng, đạt 4,4% giá trị hợp đồng, chậm tiến độ tại hạng mục đường, cọc khoan nhồi cầu Hội Đồng Tường”, ông Tuân đánh giá.
Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An đảm nhiệm thi công từ điểm giao với cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh đến mố B cầu Thầy Cát Mười Đổng. Nhà thầu này đang huy động 94 nhân sự, 32 thiết bị, máy móc các loại để thi công 5/10 vị trí thuộc phần đường và 5/8 cầu đảm nhiệm. Ước tính khối lượng cát đắp đạt 44.926 m3, giá trị thực hiện đạt 79,3 tỷ đồng trên tổng số 1.045,7 tỷ đồng giá trị hợp đồng, đạt 7,6%. Theo đánh giá, Nhà thầu Thiên An chậm ở hạng mục đường, hạng mục cọc cầu Hàn Bần, cầu Thầy Cát Mười Đổng.
Với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO, tổng khối lượng cát đã đắp đến nay đạt 15.034 m3, giá trị thực hiện 13,7 tỷ đồng trên tổng 257,3 tỷ đồng giá trị hợp đồng, đạt 5,3%. Chủ đầu tư đánh giá chậm tiến độ tại các hạng mục đường, cọc cầu Ngã Bát Kiểm Điền.
Theo các nhà thầu, do thiếu cát đắp nền nên không thể đẩy nhanh tiến độ. “Khó khăn lớn nhất là nguồn cung cát chậm kéo theo tiến độ gia tải nền đường chậm. Nếu các thủ tục suôn sẻ thì đầu năm 2024 mới có cát, và chậm nhất tháng 7/2025 các nhà thầu mới thi công đạt khối lượng theo yêu cầu”, ông Tuân cho biết.
Hướng dẫn phóng viên Báo Đấu thầu khảo sát thực địa công trường, ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (Chủ đầu tư) cho biết, nhu cầu cát đắp nền của DATP 1 khoảng 2,25 triệu m3, riêng năm 2023 khoảng 562.000 m3. UBND Tỉnh đã chấp thuận tạm điều chuyển 121.000 m3 để phục vụ nhu cầu khẩn cấp trước mắt. Đồng Tháp đã giao 3 mỏ cát cung ứng cho Dự án. Đến nay, mỏ cát trên nhánh sông Tiền (các xã Long Khánh A, Thường Lạc (huyện Hồng Ngự) và phường An Lạc (TP. Hồng Ngự) đang hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông (TP. Cao Lãnh) và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò) đã được phê duyệt báo cáo ĐTM, Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế khai thác.
“Tổng khối lượng cát tiếp nhận đến ngày 30/11/2023 là 113.846 m3, đạt 94,1% khối lượng cát tạm điều chuyển. Trong đó, Công ty Thiên An đã tiếp nhận 45.000 m3, Công ty DACINCO tiếp nhận 9.700 m3, Công ty VNCN E&C tiếp nhận 50.987 m3”, ông Trường nói.
Nguồn cát đắp nền cung ứng chưa kịp thời nên công tác đắp khuôn đường, gia tải DATP 1 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu chậm tiến độ so với kế hoạch. Đến nay, giá trị giải ngân vốn năm 2023 cho Dự án đạt 767,2 tỷ đồng trên tổng số 890,8 tỷ đồng vốn bố trí trong kế hoạch, đạt 86,1%. Trong đó, giải ngân vốn cho công tác giải phóng mặt bằng đạt 100%, giải ngân giai đoạn thực hiện đầu tư đạt 62,3%.
Ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư, các nhà thầu đẩy mạnh giải ngân phần vốn bổ sung 145 tỷ đồng vừa được bố trí thêm cho DATP 1 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu trong kế hoạch năm 2023. Trong khi chờ nguồn cung cát, các nhà thầu phải tập trung nguồn lực triển khai phần cầu. Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu là dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế khai thác cát. UBND tỉnh Đồng Tháp đang đôn đốc các đơn vị liên quan căn cứ quy trình 6 bước đã được hướng dẫn để sớm hoàn thiện thủ tục đưa các mỏ vào khai thác, đưa Dự án trở lại quỹ đạo theo kế hoạch.