Ông Nguyễn Hữu Đường (được nhiều người biết với tên Đường “bia”) vừa công bố giấy chứng nhận quyền tác giả hai mẫu: đường cao tốc chịu lực bằng cọc ly tâm V+ và đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+.
Mong muốn giảm chi phí xây cao tốc
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả hai mẫu công trình này vừa được Tập đoàn Hòa Bình công bố, do cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận vào tháng 12-2023.
Cục Bản quyền tác giả đã ban hành quyết định công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+, và quyết định công nhận tác phẩm đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+ (cao tốc cầu cạn) cho ông Đường “bia” – chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình.
Nói về quá trình khảo sát, nghiên cứu, thiết kế hai mô hình mẫu vừa được Cục Bản quyền tác giả công nhận quyền tác giả, ông Đường “bia” cho biết từ tháng 8-2023 đến nay, Tập đoàn Hòa Bình đã lập trung tâm khảo sát thiết kế, thi công đường cao tốc trên cọc dự ứng lực, đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực và nhà ở thương mại giá rẻ.
Đến đầu tháng 2-2024, tất cả các mô hình thử nghiệm đã hoàn thành.
Có thể ứng dụng ở những vùng đất yếu không quá sâu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về hai mô hình mẫu vừa được Tập đoàn Hòa Bình công bố quyền tác giả, TS Trần Bá Việt – phó chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam – đánh giá mẫu cao tốc cầu cạn của Tập đoàn Hòa Bình là một trong những giải pháp có thể áp dụng cho xây dựng cao tốc cầu cạn tại miền Tây. Giải pháp này phù hợp với những vùng đất yếu không quá sâu, đất đắp không quá cao.
“Ưu điểm của giải pháp này là thi công nhanh, kết hợp giữa công nghệ đúc sẵn phiến dầm với đổ bê tông tại chỗ, kết hợp với cọc bê tông ly tâm. Chất lượng thi công sẽ tin cậy hơn, ít phải giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến môi trường, không phải làm hầm chui, hầm gom, không phải thiết kế giải pháp tiêu thoát nước, không cần làm lưới bảo vệ hai bên cao tốc. Vì vậy, giá thành sẽ rẻ hơn một số giải pháp khác, kể cả giải pháp cát đắp nền”, ông Việt phân tích.
Tuy nhiên, ông Việt lưu ý đây chỉ là một giải pháp cầu cạn có thể áp dụng cho đầu tư cao tốc ở miền Tây, tại các đô thị và áp dụng cho hạng mục xây dựng đoạn dẫn 2 đầu công trình cầu. Việc đầu tư một tuyến cao tốc hoàn chỉnh cần áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí.
Cũng theo vị chuyên gia này, công nghệ cọc bê tông ly tâm và bản sàn dày vừa được công nhận bản quyền tác giả đã được nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Indonesia làm rồi, tất nhiên có khác một chút nhưng về nguyên tắc là giống nhau, nhưng đây cũng là một tiến bộ rất tốt.
Trước khi công bố bản quyền tác giả, thời gian qua Tập đoàn Hòa Bình đã thử nghiệm mô hình thực tiễn, thi công mẫu 500m cao tốc cầu cạn 3 tầng của công trình đường dẫn vào cảng tại Hải Phòng, với mặt cắt ngang 10m, tải trọng đáp ứng xe container chạy thành công, nên về giải pháp kỹ thuật, nhiều chuyên gia đánh giá là tin cậy, phù hợp.