Sáng 25/9, tại Hội Bê tông Việt Nam, PGS TS. Lê Trung Thành chủ trì Hội thảo góp ý hoàn thiện 3 Dự thảo tiêu chuẩn về bê tông siêu tính năng (UHPC): Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử, Thiết kế kết cấu, bê tông siêu tính năng – Thi công và nghiệm thu. Đây là bộ tiêu chuẩn mới ở Việt Nam với đặc thù là khó, phức tạp, viện dẫn rất nhiều các tiêu chuẩn của Pháp và một số nước trên thế giới, khi biên soạn các thành viên nhóm nghiên cứu phải có kinh nghiệm thực tiễn.
Những yêu cầu hoàn thiện
Dự thảo 3 tiêu chuẩn Việt Nam về UHPC được 3 nhóm nghiên cứu biên soạn dựa trên 3 tiêu chuẩn quốc gia Pháp: NF P18-470 về vật liệu UHPC, NF P 18-710 về thiết kế kết cấu UHPC và NF P 18-451 về thi công nghiệm thu UHPC.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cân nhắc để vận dụng những yêu cầu của tiêu chuẩn Pháp sao cho phù hợp với điều kiện khi hậu môi trường, vật liệu của Việt Nam.
Bộ tiêu chuẩn UHPC không chỉ mới đối với Việt Nam mà còn mới với châu Âu, trên thế giới Mỹ đã thành lập ban tiêu chuẩn ACI 239 về UHPC.
Chủ trì tại Hội nghị, PGS TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, đồng thời là Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của các nhóm nghiên cứu, đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự thảo tiêu chuẩn bởi tính cần thiết phải được ban hành để vận dụng trong thực tiễn theo yêu cầu và nhiệm vụ của Bộ Xây dựng giao.
Yêu cầu 3 nhóm tiếp tục hoàn thiện, cùng phối hợp để đồng bộ 3 tiêu chuẩn trong tháng 10/2021 bảo vệ ở Hội đồng cơ sở trước khi lên Hội đồng Bộ Xây dựng vào tháng 11/2021 và trình ban hành trong năm 2021.
Góp ý trực tiếp một số nội dung cho từng dự thảo, PGS TS. Lê Trung Thành cho biết, đối với Dự thảo Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử, trong tiêu chuẩn phương pháp thử của Pháp chưa có đầy đủ các phương pháp thử nên chủ trì xem lại kỹ, chú ý phương pháp thử phải theo châu Âu, chỉ khi không có của châu Âu mới sử dụng của Mỹ hoặc các nước;
Đối với Dự thảo Yêu cầu thiết kế kết cấu, nhóm nghiên cứu đã tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn châu Âu, tuy nhiên hiện nay loại bê tông UHPC tại Việt Nam chủ yếu áp dụng cho cầu nên xem kỹ phần liên kết, viện dẫn sang tiêu chuẩn EN phần 2 cho thiết kế cầu và các tiêu chuẩn TCVN về thiết kế cầu đã có.
Đối với Dự thảo Kết cấu bê tông thi công và nghiệm thu, đối chiếu với tiêu chuẩn về thi công nghiệm thu của Pháp có tính tương đồng, tuy nhiên ở phiên bản 1 của tiêu chuẩn Việt Nam chỉ nên làm sợi thép, nên chăng chỉ tập trung vào sợi thép vì từ trước đến nay Việt Nam chưa làm UHPC với sợi tổng hợp, để đảm bảo đơn giản và dễ đi vào thực tiễn.
Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu cũng nhận được sự góp ý của các chuyên gia và doanh nghiệp đã có những nghiên cứu và triển khai trong thực tiễn.
PGS.TS. Nguyễn Duy Hiếu – Phó chủ nhiệm Khoa Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội (Bộ Xây dựng) đánh giá, bộ Dự thảo Tiêu chuẩn hoành tráng và đồ sộ, có nhiều nội dung, được hoàn thiện trong thời gian ngắn với những phần việc lớn, phức tạp, thông qua nền tảng nghiên cứu khoa học và vận dụng trong thực tiễn của Hội Bê tông Việt Nam, TS. Trần Bá Việt và thành viên của các nhóm nghiên cứu. Bộ tiêu chuẩn sớm ban hành sẽ đáp ứng được tính cấp thiết, thời sự trong hoạt động xây dựng của đất nước.
Góp ý cho Dự thảo Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử, là dự thảo viện dẫn rất nhiều tiêu chuẩn nhưng thiếu tiêu chuẩn tách nước, tách vữa; Có một số khái niệm cần làm rõ và chọn cụm từ thích hợp hơn, ví dụ như “đem lại sự làm việc dẻo khi chịu kéo và sự mất đi tính giòn của loại bê tông này”;…
PGS TS. Lương Đức Long – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam đánh giá cả 3 nội dung Dự thảo tiêu chuẩn rất mới, nên chọn một nội dung trong 3 nội dung này làm trụ cột; vấn đề chuyển ngữ làm sao thật mềm mại.
Kỳ vọng bê tông UHPC phổ biến rộng rãi
Hiện nay, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai là doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư riêng phòng thí nghiệm về bê tông UHPC, đang hoạt động độc lập và đã có sản phẩm tốt.
Ông Nguyễn Cao Thắng – Tổng Giám đốc Công ty cho biết, Xuân Mai đã bắt đầu ứng dụng sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn UHPC. Trong quá trình hoạt động, từ khâu thiết kế đến thi công đang gặp một số vấn đề còn tranh luận liên quan đến câu chuyện áp dụng, tính toán, khả năng chịu kéo, số liệu… Xuân Mai mong muốn bộ 3 tiêu chuẩn ban hành sớm, làm cơ sở hợp nhất trong tính toán, tạo hành lang pháp lý, sớm đưa bê tông UHPC phổ biến rộng rãi hơn trong xây dựng tại Việt Nam.
Cũng tại Hội thảo, TS. Trần Bá Việt – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Bê tông Việt Nam đồng thời là thành viên chủ chốt của 3 nhóm nghiên cứu bộ tiêu chuẩn chia sẻ, tiêu chuẩn châu Âu quy định rõ tính cường độ chịu kéo phụ thuộc vào 3 thông số: bê tông, sợi thép trong bê tông và cốt thép trong bê tông.
Cả 3 thông số này nếu có hằng số chịu kéo thì có thể tăng sợi thép lên, tăng chiều dày bê tông lên, từ đó có thể bỏ cốt thép, dẫn đến kết quả chiều dày làm việc mỏng đi, đem lại hiệu quả lớn. Nếu có cốt thép bắt buộc phải có chiều dày bảo vệ.
Bê tông UHPC trên thế giới, đặc biệt là châu Âu không có cốt thép đặt trước, đã là UHPC thì tính toán làm sao không sử dụng cốt thép, chỉ có cốt ứng suất trước.
Hiện nay do mới đầu làm thì phải bố trí cốt thép nhưng bố trí cốt thép thì đương nhiên không kinh tế bằng không bố trí cốt thép.
Ngoài ra, TS. Trần Bá Việt cũng đề nghị 3 nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện dự thảo các tiêu chuẩn, phối hợp đồng bộ bộ tiêu chuẩn theo chất lượng, tiến độ nhằm sớm ban hành bộ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
#nguồn:tapchixaydungbxd