ĐBSCL thiếu cát đắp trầm trọng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bàn cách tháo gỡ

Các dự án cao tốc trục dọc và trục ngang khu vực ĐBSCL đều thiếu cát đắp trầm trọng, trong khi đó các mỏ cát sông trên nhiều địa phương đang bị dừng hoặc vẫn chưa xong thủ tục khai thác.

Chiều 20/11, tại tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong khu vực ĐBSCL để đẩy nhanh tháo gỡ các vướng mắc về công tác GPMB và nguồn cung vật liệu cát, đá… cho nhiều dự án giao thông đang triển khai.

Tiếp tục gỡ khó vật liệu cát cho các dự án giao thông trọng điểm- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc tháo gỡ nguồn vật liệu cát đắp công trình giao thông khu vực ĐBSCL

Các dự án đồng loạt thiếu cát

Theo báo cáo của Bộ GTVT, khu vực ĐBSCL đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc gồm: Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Cao Lãnh – An Hữu, Mỹ An – Cao Lãnh. Đến nay, 3 dự án đang tổ chức thi công, riêng dự án Mỹ An – Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến khởi công vào đầu năm 2025.

Công tác GPMB cơ bản đáp ứng tiến độ, tuy nhiên còn vướng một vài điểm chưa được bàn giao. Riêng các vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa thực hiện xong.

Tiếp tục gỡ khó vật liệu cát cho các dự án giao thông trọng điểm- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn báo cáo tình hình triển khai thi công các dự án và nguồn cung ứng vật liệu

Đối với tình hình vật liệu, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, mặc dù trữ lượng các mỏ cát đắp đường cơ bản đáp ứng nhưng việc triển khai thủ tục cấp mỏ cát, công suất khai thác chưa theo kịp tiến độ thi công, đặc biệt là những đoạn tuyến có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025.

Do đó, để đảm bảo yêu cầu về tiến độ của dự án, Bộ GTVT kiến nghị các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành thủ tục cấp phép các mỏ đã đủ thủ tục chậm nhất trong tháng 11/2024 để cung ứng cho dự án. Tỉnh Tiền Giang khẩn trương xác định đủ 1,4 triệu m3 theo chỉ tiêu được giao và hoàn thành thủ tục cấp phép đưa vào khai thác, chậm nhất trong tháng 12/2024.

Tiếp đó, UBND tỉnh Vĩnh Long khẩn trương hoàn thành thủ tục nâng công suất 3 mỏ theo đúng thời gian của Bản xác nhận; bổ sung 1,2 triệu m3 cho dự án. UBND tỉnh An Giang khẩn trương rà soát, hoàn thành thủ tục cho phép tiếp tục triển khai dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao trong tháng 11/2024 để sử dụng khoáng sản thu hồi, cung ứng đủ khối lượng cho dự án theo chỉ tiêu đã được giao (còn thiếu 0,63 triệu m3); hoàn thành thủ tục cho phép khai thác trở lại trong tháng 11/2024 đối với 2 mỏ dừng khai thác đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua chủ trương ngày 18/11/2024 và đẩy nhanh thủ tục để sớm đưa vào khai thác mỏ đá Antraco.

UBND các tỉnh trong khu vực có nguồn vật liệu đá (An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với chủ đầu tư để nâng công suất khai thác các mỏ và ưu tiên cấp cho dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết thêm, riêng dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng do địa phương triển khai thực hiện cần khoảng 7 triệu m3 cát. Tỉnh An Giang đã hỗ trợ 2,3 triệu m3, Tiền Giang hỗ trợ 2,97 triệu m3 và còn thiếu 1,73 triệu m3, hiện Cần Thơ đang nhờ Bến Tre hỗ trợ.

Tiếp tục gỡ khó vật liệu cát cho các dự án giao thông trọng điểm- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nêu kiến nghị tại cuộc họp

“TP. Cần Thơ rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo cụ thể hướng dẫn cho Thành phố được sử dụng cát biển để xây dựng các công trình giao thông, khu công nghiệp. Bởi, hiện nay chưa có bất cứ văn bản nào làm cơ sở pháp lý cho việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ở các địa phương Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp”, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ kiến nghị.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin, về vấn đề khai thác cát, tỉnh đã hoàn tất các thủ tục xác nhận hai bản đăng ký khai thác cho hai nhà thầu với trữ lượng khoảng 1 triệu m3, đồng thời gian hạn cho hai mỏ cát với trữ lượng hơn 5,4 triệu m3. Tuy nhiên hiện nay, các mỏ này vẫn chưa được các nhà thầu khai thác đảm bảo tiến độ. Ví dụ tại mỏ số 12, một ngày có thể khai thác trữ lượng đến 3.000 m3, nhưng các nhà thầu chỉ khai thác khoảng 700 – 800 m3.

Riêng với cát biển, khu vực tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng rất lớn, vì vậy tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành làm việc để thống nhất việc khai thác cát biển và giao khu vực biển tại tiểu khu B1.3 cho địa phương.

Đẩy nhanh thủ tục và sớm cấp cát cho dự án

Lý giải về việc chưa tăng công suất khai thác 3 mỏ cát được cấp cho nhà thầu khai thác phục vụ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, những mỏ cát này nằm trên địa bàn huyện Trà Ôn, thời gian qua vẫn còn tình trạng người dân khiếu nại, làm ảnh hưởng đến thời gian xem xét nâng công suất.

“Tỉnh sẽ xem xét sớm nâng công suất khai thác cho giai đoạn 2 theo đề nghị của nhà thầu, đồng thời khẩn trương cho lập thủ tục khai thác hai mỏ mới cung ứng cho dự án, phấn đấu cấp phép trong tháng 12/2024”, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định.

Đối với tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, một trong những khó khăn là việc tính toán giá bán của các mỏ cát thương mại khi cung cấp cho các dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù. Tiền Giang cũng sẽ thực hiện cấp phép khai thác thêm những mỏ cát mới để bảo đảm cung cấp đủ 3,25 triệu m3.

Riêng tỉnh An Giang, địa phương đang tiến hành hoàn thành thủ tục xử lý để cấp phép khai thác lại 7 khu vực để bù đắp cho khối lượng cát còn thiếu so với chỉ tiêu được Chính phủ giao là 3 triệu m3.

Tiếp tục gỡ khó vật liệu cát cho các dự án giao thông trọng điểm- Ảnh 4.

Các dự án vẫn đang chạy đua tìm cát để kịp hoàn thành việc gia tải nền đường vào cuối năm nay

Sau khi nghe các địa phương báo cáo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT phối hợp với các tỉnh có mỏ vật liệu. Các ban QLDA, nhà thầu phải rà soát, tổng hợp lại trữ lượng, công suất khai thác tại các mỏ cát theo tiến độ của từng dự án để các địa phương chủ động điều phối, cấp cát.

Theo đó, phải rõ ràng trong việc mỏ nào cấp cho dự án nào, đồng thời phải tăng cường giám sát, lắp đặt thiết bị quan trắc, xác định độ sâu khai thác các mỏ cát, đảm bảo các yếu tố liên quan tới môi trường, không để xảy ra tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Đối với mỏ cát biển tại khu vực chưa xác định ranh giới quản lý giữa các địa phương, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ khẩn trương xác định ranh giới quản lý khu vực biển này.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn về nguồn vật liệu, đặc biệt là cát biển phục vụ trong hoạt động san lấp.

Liên quan đến vấn đề về giá cung cấp cát từ mỏ thương mại cho các dự án cao tốc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các địa phương và các bộ, ngành có liên quan cùng làm việc, thống nhất phương án về giá trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, không để ai phải chịu thiệt thòi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *